Người Trung Quốc vật vã vì béo phì

  •  
  • 611

Không hài lòng với trọng lượng của mình, cách đây một năm Charmaine Tong quyết định uống trà giảm béo - loại thức uống được cho là làm từ các thảo dược cổ truyền Trung Hoa.

Cô mừng quýnh lên khi thấy mình chán ăn và số cân nặng giảm đi trông thấy, nhưng niềm vui sướng đột ngột bỏ đi, khi Tong phát hiện ra cô có vấn đề về nhịp tim, cách đây một tháng.

"Tôi chọn uống thuốc Bắc bởi nghĩ là nó không chứa hóa chất độc hại và ít tác dụng phụ, nhưng kết quả là tim tôi bị loạn nhịp", Tong, một nhân viên marketing cao cấp ở Hong Kong, than phiền.

Cô lập tức ngừng uống trà và lên lại 3,5 kg đã mất, thậm chí còn béo hơn xưa.

Một em bé Trung Quốc ăn trưa trong lớp luyện giảm cân.

Một em bé Trung Quốc ăn trưa trong lớp luyện giảm cân. (Ảnh: Reuters)

Các loại thuốc viên và trà giảm béo được quảng cáo là "đốt cháy tan mỡ" và "tống khứ những kílô thừa" được bán đầy rẫy ở Hong Kong. Có đến 30% trong tổng số 7 triệu người Hong Kong bị thừa cân, tăng gấp đôi so với 10 năm trước, các bác sĩ địa phương cho hay. Ở Trung Quốc, ước tính cứ 5 người thì có 1 người thừa cân, và như vậy hiện có khoảng 60 triệu người béo phì.

"Chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều người chết sớm, tàn tật hoặc gây gánh nặng lớn cho hệ thống y tế. Sẽ có rất nhiều người phải phẫu thuật bắc cầu tim, điều trị sau đột quỵ, và nhiều bệnh khác", Juliana Chan, giáo sư dược học và liệu pháp trị ở đại học Hong Kong, cảnh báo.

Theo tính toán của WHO, trên tòan cầu hiện có khoảng 1 tỷ người bị thừa cân, trong đó 300 triệu người bị béo phì. Ngoài nguyên nhân ăn quá nhiều, vận động ít, hút thuốc, thì một lý do nữa, theo các chuyên gia, là gen của người Á dễ gây béo phì hơn.

"Nếu cùng một trọng lượng như nhau, người Á sẽ có nhiều mỡ trong cơ thể hơn người Kavkaz chẳng hạn", Chan cho biết. "Do điều kiện thời tiết, chúng ta không dự trữ quá nhiều mỡ, nó sẽ chuyển vào trong gan, cơ bắp, đó là lý do chúng ta nghe nhiều về chuyện gan nhiễm mỡ".

Vóc dáng nhỏ bé của người Á khiến nguy cơ béo bụng cao hơn so với người ở châu lục khác, nói một cách khác, mỡ của người Á bám vào các cơ quan nội tạng nhiều hơn.

"Người Á có vấn đề với béo bụng. Mỡ thừa tấn công dạ dày, bám vào ruột, nhiễm vào gan. Nếu bạn không dùng mỡ đó, nó sẽ đóng đô bên dưới da, bao quanh tim và cơ", Chan giải thích tiếp. "Nếu các cơ tim bị nhồi nhét đầy mỡ, nó không thể trữ đường được nữa và khiến đường nằm trong máu, gây bệnh tiểu đường".

Vậy thì thuốc Bắc có phải là giải pháp không? "Không có giải pháp thần diệu nào đâu, cho dù quảng cáo có nói gì", Richard Eu, thành viên cao cấp của Eu Yan Sang, nhà bán lẻ hàng đầu các loại dược phẩm Trung Hoa ở châu Á, nói.

T. Huyền

Theo Reuters, Vnexpress
  • 611