Nguy hiểm không ai biết vì lỗi đứng chờ tàu hỏa không đúng cách

  •  
  • 2.873

Ai cũng biết tàu hỏa đến thì phải dừng lại chờ. Nhưng dường như chúng ta vẫn còn quá chủ quan.

Chẳng cần ai dạy, nếu không muốn chết thì chẳng ai đi lao đầu vào tàu hỏa khi tàu đang lao đi cả. Ai cũng sẽ dừng lại, đợi tàu đi hết rồi mới đi tiếp.

Nhưng đừng tưởng dừng là đã an toàn. Bằng chứng là gần đây, đã có trường hợp người đàn ông bị tàu hỏa cán chết dù đã đứng lại chờ tàu chạy. Theo những gì được kể lại, ông đã đứng cách đường ray khoảng 1m, nhưng rồi bị "tàu hút, cuốn vào bánh lúc nào không hay".

Đó cũng chính là lỗi mà rất nhiều người đang mắc phải: đứng chờ tàu hỏa ở khoảng cách quá gần.

Đã có nhiều trường hợp bị tàu hỏa hút vào khi đứng đợi quá gần.
Đã có nhiều trường hợp bị tàu hỏa hút vào khi đứng đợi quá gần.

Tại sao lại bị hút?

Để hiểu được bản chất của chuyện này, chúng ta sẽ cùng đến với lý thuyết của Daniel Bernoulli - nhà toán học người Thụy Sĩ.

Theo như Định luật Bernoulli về cơ học chất lỏng, thì dòng chảy của chất lỏng có tốc độ càng lớn, áp suất quanh nó càng giảm đi.

Dòng chuyển động của không khí cũng giống như nước chảy vậy, nên cũng có thể áp dụng được định luật Bernoulli. Đầu tiên, con tàu sẽ chiếm một khoảng trống trong không khí, tức là khi nó di chuyển sẽ tạo ra một dòng chảy không khí chạy dọc thân tàu, lấp đầy khoảng trống nó để lại.

Nếu như đứng đủ gần, bạn có thể bị cuốn vào gầm tàu hỏa mà không cách nào chống cự được.
Nếu như đứng đủ gần, bạn có thể bị cuốn vào gầm tàu hỏa mà không cách nào chống cự được.

Tàu di chuyển càng nhanh, vận tốc dòng chảy càng nhanh, tức là áp suất quanh đó giảm xuống rất mạnh. Khi tàu đi ngang qua bạn, áp suất không khí giữa cả 2 cũng sẽ giảm xuống.

Lúc này, sẽ có một sự chênh lệch áp suất giữa luồng không khí đằng trước và đằng sau lưng bạn. Không khí thì luôn di chuyển từ nơi áp cao đến nơi áp thấp, qua đó vô tình tạo thành một lực đẩy từ phía sau lưng chúng ta.

Và bạn biết không, lực đẩy này tuỳ theo tốc độ tàu và khoảng cách đứng của bạn mà có thể lên tới gần 1900N. Để dễ hình dung thì lực này tương đương với lực sinh ra khi bạn nâng 1 vật nặng khoảng... 190kg vậy. Tức là nếu như đứng đủ gần, bạn có thể bị cuốn vào gầm tàu hỏa mà không cách nào chống cự được.

Vậy phải đứng thế nào? Ở trong thành phố, chúng ta đã có đường chắn tàu. Còn bình thường, tốt nhất hãy đứng cách đường ranh ở khoảng cách từ 2m trở lên. Bạn sẽ ổn thôi.

Tuyệt đối không đứng gần tàu hoả nhé!
Tuyệt đối không đứng gần tàu hoả nhé!

Không chỉ riêng tàu hỏa mới hút người như vậy đâu

Trên các cung đường cao tốc, đôi lúc các tài xế vẫn bất cẩn cho xe đi song song các loại xe container cồng kềnh, mà không biết rằng những điều chúng ta vừa bàn ở trên cũng áp dụng được trong trường hợp này.

Cũng giống như tàu hoả, dọc thân xe sẽ là một dòng chảy không khí, tạo nên một lực hút rất ổn định. Nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ, bạn không đứng yên như khi chờ tàu hoả mà đang đi trên một chiếc xe khác, với vận tốc tương đương hoặc hơn chiếc xe tải kia.

Đừng bao giờ vượt sát các xe to.
Đừng bao giờ vượt sát các xe to.

Chính điều này khiến cho áp suất giữa 2 xe ngày càng giảm đi, và lại một lần nữa Định luật Bernoulli được áp dụng, tạo thành một lực hút xe bé hơn vào gầm xe tải.

Tất nhiên, xét trên tốc độ lẫn trọng lượng xe thì lực hút này dường như không đủ lớn để hút được ô tô, miễn là bạn vững tay lái. Có điều, lỡ không may gặp phải các điều kiện như trời mưa, đường trơn trượt... liệu bạn có đảm bảo mình vững tay được mãi? Hơn nữa, chẳng có gì đảm bảo rằng người lái xe tải không bị lạc tay lái cả.

Tóm lại, đừng bao giờ vượt sát các xe to. Và nếu bạn đang lái một chiếc xe máy thì tuyệt đối không đi song song hoặc vượt sát. Oan mạng như chơi đấy!

Cập nhật: 24/08/2016 Theo Trí Thức trẻ
  • 2.873