Nhà thám hiểm Nga lần thứ hai chinh phục Everest

  •   1,52
  • 911

Đỉnh núi cao nhất thế giới Everest vốn được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới” với độ cao 8848 mét, nằm giữa vùng núi Himalaya ở Nepal và vùng Tây Tạng, biên giới Trung Quốc. Đỉnh núi này luôn là một điều thách thức thú vị cho các nhà leo núi và thám hiểm.

Nhà du lịch nổi tiếng của Nga Fedor Konyukhov cách đây 20 năm (1992) đã đặt chân lên đỉnh núi cao nhất trên hành tinh này trong thành phần đội leo núi "Lada-Everest” và bây giờ thêm một lần nữa ông lại đang trong hành trình chinh phục Everest và đã đạt đến độ cao 6400m.

Ở độ cao này có một trạm căn cứ - điểm quan trọng đầu tiên của một loạt chặng đường tiếp theo để thích nghi với khí hậu thay đổi. Fedor cho biết dưỡng khí ngày càng ít đi, gió và bức xạ mặt trời ngày càng mạnh hơn. Trong những ngày tới, theo dự báo, tốc độ gió trên đỉnh Everest với chiều cao 8848 mét sẽ vào khoảng 100km/h. Điều này có thể ảnh hưởng tới sức chịu đựng của các thành viên trong đoàn.

Fyudor Konyukhov
Nhà thám hiểm Fyudor Konyukhov

Phát biểu trước báo giới Fyudor Konyukhov cho biết ông luôn có đam mê chinh phục những nơi cao nhất, đặc biệt nhất. Hiệp hội du lịch mạo hiểm quốc tế từng gọi Konyukhov là “du khách số một” trên hành tinh.

Thật đáng ngưỡng mộ khi chúng ta nhìn "kỳ tích" thám hiểm của du khách đặc biệt này, ông là nhà thám hiểm đầu tiên trên thế giới đã thăm tất cả 5 “vùng cực” của hành tinh: Cực Bắc địa lý, Cực Nam địa lý, vùng cực Bất khả tiếp cận ở Bắc Băng Dương, đỉnh núi Everest và Mũi Horn (vùng cực đối với thuyền buồm). Ngoài ra lịch sử ngành hàng hải cũng sẽ mãi nhớ đến ông với chuyến đi vòng quanh thế giới chỉ bằng chiếc thuyền buồm và cuộc đua hoành tráng xung quanh Nam Cực.

Năm 2012 thực sự là một mốc lịch sử đáng tự hào của môn leo núi Nga, đánh dấu kỷ niệm 30 năm kể từ khi đội Liên Xô lần đầu tiên chinh phục núi Everest (năm1982), cũng như kỷ niệm 20 năm cuộc thám hiểm đầu tiên của Fyudor Konyukhov và Evgheny Vinogradsky chinh phục "nóc nhà thế giới" và đặt lá cờ Nga ở đó.

Theo Vietnam+
  • 1,52
  • 911