Nhà thờ Hagia Sophia

  •  
  • 3.522

"Thiên Chúa đã khiến con rất đỗi tự hào vì chính Người đã giúp con xứng đáng thực hiện một công trình như thế: ta đã chế ngự được ngươi, hỡi Solomon"  - Phát biểu được cho là của Justinian nhân dịp khánh thành nhà thờ Hagia Sophia năm 537 sau Công nguyên.

Nhà thờ Hagia Sophia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những công trình mái bát úp đồ sộ trên thế giới. Đường nét bên ngoài gợi ý sự sửng sốt và thành công thấy rõ của mái bát úp này, với đường kính 31m (100fit), chỉ có thể nhận thức được hết giá trị từ bên trong. Nhà thờ Hagia Sophia - "Khôn ngoan Thánh thiện" - được xây dựng và trang trí chỉ trong 6 năm từ năm 532 đến 537. Vẻ nguy nga và kỹ năng trong kết cấu đã cho thấy ý kiến nào cho rằng kiến trúc Cơ Đốc ban đầu vào đầu thời kỳ Trung cổ đang suy tàn là sai.

Khái niệm và thiết kế

Khi Justinian giao cho đội ngũ kiến trúc sư của ông phải xây dựng nhà thờ Hagia Sophia mới, rõ ràng họ đã nhận ra đây là một phong cách xây dựng nhà thờ mới trong thế giới Cơ Đốc ban đầu. Truyền thuyết cho rằng chính một Thiên sứ đã thiết kế tặng cho Justinian. Tính phức tạp của công trình chắn chắn cho thấy sự tự tin về một kiến trúc phi thường ở quy mô đồ sộ, đòi hỏi phải tính toán chính xác và tinh thần dám nghĩ dám làm trong kỹ thuật. Chiếu thư gửi đến Anthemius và Isidore yêu cầu xây dựng một không gian linh thiêng chưa từng có trong bất kỳ nhà thờ nào khác, nó phải được phụng hiến cho việc cử hành thường xuyên nghi thức Byzantine cũng như dịp phụng vụ trang trọng ở quy mô quốc gia.

Phụng vụ gồm rước lễ trong đó bánh mì và rượu vang được mang qua cộng đoàn tín hữu đến cung thánh phía Đông để cung hiến trong Bí tích thánh thể, giảng Kinh thánh và cầu nguyện. Đỉnh cao của nghi lễ do Đại Thượng Phụ thực hiện ở bàn thờ bạc, đồ vật trang trí trong cung thánh đầy ắp bạc, vàng và đá quý. Chỉ có giới giáo sỹ và hoàng đế, những người được xem là đại diện cho Thiên Chúa trên trái đất này mới dược phép bước vào Cung Cực Thánh này.


Sơ đồ nhà thờ

Kiến trúc sư làm việc ở mức độ chi tiết đến mức sàn nhà bằng đá cẩm thạch được chia thành từng sọc ('sông ngòi') để giúp giáo sỹ trong nhà thờ thực hiện nghi lễ. Mặc dù về chức năng, kiến trúc này đồng thời trung thành với cách phô bày ánh sáng và không gian bao bọc, nhất là bên dưới mái báp úp chính, ít lâu sau trong giới bình luận thần học Kinh thánh ở Byzantine hiểu là biểu tượng của Thiên đàng.

Tất cả mái cong dạng vòm trên trần nhà hay ở vách phía trên tin hữu đều trang trí bằng vật liệu khảm. Vào thế kỷ thứ 6, chủ đề này chỉ gói gọn ở vô số thánh giá bằng vàng và các vật trang trí không mang tính biểu tượng, chỉ từ thế kỷ 9 trở về sau các chủ đề biểu tượng như Đức Mẹ đồng trinh và Chúa Hài Đồng giữa các tổng thiên thần trong gian nhà còn bán nguyện ở cuối nhà thờ. Chúa Jésus đặt trong mái bát úp, và chân dung hoàng đế cùng các vị thánh quan trọng gắn bó với nhà thờ Hagia Sophia được bổ sung dần dần với sự tài trợ của hoàng đế. Nhà thờ cũng dần dần tăng thêm thu nhập và trưng bày tất cả thánh tích Cơ Đốc, kể cả một mẩu Thánh giá thật, chứng tỏ nhà thờ không phải sử dụng ở mức độ phụng vụ mà còn dành cho sự thành tâm và người cầu nguyện.

Bước vào nhà thờ từ một đại sảnh La Mã đặt ở hướng Tây. Một lối vào lạ thường thứ hai đặt ở cạnh phía Tây Nam của nhà thờ, kế bên Cung điện Đại Thượng Phụ, công trình bổ sung trong khuôn viên nhà thờ ở thế kỷ thứ 6, gần Phòng Rửa tội riêng biệt. Mái cổng bên trong có chín cửa dẫn vào gian giữa nhà thờ, có 4 đường dốc ở các góc nhà thờ để đến cách hành lang nằm ở phía Bắc, Tây và Nam.

Xây dựng:

Nhà thờ Hagia Sophia là nhà thờ đồ sộ nhất trong thế giới Cơ Đốc ban đầu, quy mô của nhà thờ được cảm nhận hoàn toàn trong ánh sáng lờ mờ lúc bình minh, giờ phụng vụ, và ánh nến lung linh.

Procopius, viết thư tỏ lòng kính trọng Justinian ngay sau khi hoàn công năm 537, miêu tả sự kinh ngạc của khách tham quan làm cách nào mái bát úp nằm ở trên không?

Câu trả lời là người ta giấu kỹ thuật kết cấu. Khách tham quan chỉ nhìn thấy mái bát úp chính với các mái bát úp bán nguyệt làm trụ chống tường ở phía Đông và Tây, và nhìn thấy tia sáng mặt trời từ cửa sổ rọi sáng cả nhà thờ. Người ta nhìn thấy các dãy cột bằng đá cẩm thạch (đá cẩm thạch có màu sắc lấy từ nhiều mỏ đá khác nhau ở Địa Trung Hải) và lớp đá cẩm thạch ốp có vân (thường ốp theo kiểu "tựa lưng" với đường vân cân đối làm tăng vẻ huyền bí trong chất liệu đá). Các cột bằng đá cẩm thạch được chạm khắc phần dưới, khối đắp nổi trang trí và không gian nằm giữa hai mặt trên của hai vòm gặp nhau và đường thẳng nối liền đỉnh vòm (đá cẩm thạch trắng lấy từ các mỏ đá Proconnesia ở biển Marmara).

Nhưng hầu như người ta không tìm thấy đá vôi hay đá hoa cương xanh lục ở địa phương, gạch, vữa, thanh neo bằng chì và sắt để chống đỡ các chi tiết kết cấu nằm bên dưới tất cả những lớp ốp ngoài này, có lẽ cũng không thấy dầm gỗ phân phối lực ngang cho các mũ cọc giữa cột và mái cong dạng vòm vốn là bộ phận không thể thiếu trong biện pháp ổn định áp lực bên trong cấu trúc. Sự kết hợp các dãy cột bằng đá cẩm thạch và mái cong dạng vòm xây gạch lấy từ kiến trúc bê tông của đế quốc La Mã ở Ý, nhưng việc chọn vật liệu theo truyền thống xây dựng ở địa phương thuộc vùng Tiểu Á La Mã.

Số liệu thực tế:

    • Gian giữa nhà thờ: 78x72m
    • Đường kính: 31m
    • Chiều cao: 62m
    • Vật liệu: Đá, gạch, vữa, sắt và gỗ để làm gằng và thanh neo.

Lịch sử sau này:

Nhà thờ Hagia Sophia vẫn được xem là nhà thờ lớn nhất trong đế quốc Byzantine, cũng như là công trình tưởng niệm chính của đạo Cơ Đốc chính thống. Chính đại thánh đường là nơi làm trụ sở của Đại Thượng Phụ Constantinople và nhà thờ phụng vụ chính của đế quốc Byzantine cho đến năm 1453, ngoại trừ một thời gian làm thánh đường Latin từ năm 1204 đến 1261.

Những thay đổi chính sau này ở nhà thờ của Justinian bao gồm việc xây lại mái bát úp cao hơn khoảng 7m (23fit) sau khi bị sụp đổ vào năm 558 (công trình của Isidore con), tạo cho nhà thờ một đường nét hiện đại cũng như cứu vãn lực gãy theo phương nằm ngang của mái bát úp đầu tiên, phía dưới, có thể xây dựng lại panel kiến trúc ở phía Bắc và Nam của gian giữa nhà thờ sau trận động đất năm 869, một kiến trúc sư Mỹ Trdat xây dựng lại vòm chính Đông, mái bát úp bán nguyệt và nhiều phần của mái bát úp sau trận động đất năm 989. Ngoài ra, năm 1317 gia cố các trụ chống tường ở phía Bắc và Đông, và xây dựng lại vòm phía Đông, mái bát úp bán nguyệt và nhiều phần của mái bát úp sau trận động đất năm 1346.

Năm 1453, thành phố Constantinople rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ của đế quốc Ottoman, nhiều toán quân xông vào nhà thờ trong lúc nhiều người đang dự Thánh lễ Misa ở đây. Nhà thờ Hagia Sophia bị cải tạo thành một nhà thờ Hồi giáo, ít lâu sau thêm 4 tháp và các chi tiết kiến trúc khác của đạo Hồi - gian nhà con hình bán nguyệt ở cuối nhà thờ ở tầng trệt cải tạo thành một mihrab hướng về Thánh địa Mecca, bổ sung thêm một mimbar ở bên phải và chỗ ngồi của vua Hồi ở bên trái, nhiều đĩa khổng lồ có câu khắc bằng tiếng Ả Rập trên các trụ gạch. Kiến trúc của nhà thờ được kiến trúc sư Siman mô phỏng và phát triển giống như nhà thờ Hồi giáo Suleyman. Những lần đại tu công trình sau cùng do kiến trúc sư người Thụy Sỹ Gaspare và Giuseppe Fossati tiến hành trong năm 1847-1849, một việc làm táo bạo rất ấn tượng về sự gia cố và trang trí lại. Công trình trở thành viện bảo tàng vào năm 1931.

H.T (Theo Kiến trúc thế giới hiện đại)
  • 3.522