Những 'bữa tiệc' thiên văn năm 2010

  •   12
  • 1.724

Năm 2010 hứa hẹn có những "bữa tiệc" thiên văn kỳ thú như nhật thực, nguyệt thực, mưa sao băng hay sự xuất hiện của những hành tinh trong hệ Mặt Trời…

Cuộc gặp giữa các vì sao

Theo thạc sĩ Phan Văn Đồng, Hội thiên văn vũ trụ Việt Nam, năm 2010 là năm chứng kiến rất nhiều sự gặp gỡ của các vì sao. Cuối tháng 3 đến giữa tháng 4/2010 (từ ngày 28/3 - 12/4), sao Kim và sao Thuỷ ''cặp kè''. Hai hành tinh này tạo thành cặp đôi về phía bầu trời Tây Bắc ngay sau khi Mặt trời lặn.

Trong khoảng thời gian trên, hai hành tinh này sẽ chỉ cách nhau không quá 5 độ. Sao Kim ở về bên trái và hơi cao hơn sao Thủy một chút và đương nhiên sao Kim sáng hơn sao Thủy.

Vào ngày 3/4, chúng ở gần nhau nhất, chỉ cách nhau có 3 độ. Đến ngày 6/6, ta có thể xem tới hai cặp bài trùng: Sao Hỏa màu cam đi ngang qua Regulus, một ngôi sao thực thụ, chỉ cách chưa đầy 1 độ. Tới thời gian đó, sao Hỏa chỉ còn là một chấm sáng ngay cả khi ta nhìn qua một kính thiên văn loại lớn. Cũng vào đêm đó, sao Mộc sẽ “đi cùng” sao Thiên vương…

 

Năm 2010 sẽ có nhật thực toàn phần. Ảnh tư liệu

Ngày 1/8, cuộc diễu hành của bộ ba hành tinh sao Hỏa, sao Thổ và sao Kim. Sao Hỏa đi ngang qua sao Thổ chỉ cách 2 độ vào ngày 1/8, và sao Kim cũng trượt nhanh qua với khoảng cách chỉ có 3 độ sau đó 9 ngày.

Bộ ba hành tinh trên sẽ tạo thành một hình tượng mà có nhà thiên văn gọi là “Trio” (chân kiềng) khi chúng nằm vừa lọt một hình tròn với đường kính chưa tới 5 độ.

Và cuối tháng 10, sao chổi bay gần Trái đất. Sao chổi Hartley 2 sẽ đi ngang qua Trái đất với khoảng cách 11,2 triệu dặm (gần 18 triệu km), chỉ 1 tuần trước khi sao chổi này tiến gần tới Mặt trời nhất.

Tuy nhiên, với độ sáng biểu kiến sẽ đạt +4 hoặc +5, chỉ những người ở vùng nông thôn mới có thể xem được, ở thành phố, do ô nhiễm ánh sáng và bụi, nên khó lòng nhìn thấy.

Chỉ quan sát được nguyệt thực toàn phần 1 lần

Thạc sĩ Phan Văn Đồng cho biết, năm 2010 chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng cả nhật thực, nguyệt thực toàn phần, một phần.

Cụ thể, ngày 26/6 sẽ có nguyệt thực một phần. Quan sát dễ nhất lần nguyệt thực này là vùng quần đảo Hawai, phía tây Alaska (Mỹ), Australia, New Zealand, phía đông Malaysia và Châu Á.

Nguyệt thực sẽ quan sát được ở Việt Nam bắt đầu từ lúc trăng vừa mọc. Còn hai sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 11/7 và nguyệt thực toàn phần từ 20, 21, 22/12 thì không quan sát được ở Việt Nam.

Thạc sĩ Đồng cũng cho biết ngày 12/8, sẽ xuất hiện các đợt mưa sao băng Perseid. Trong điều kiện trời trong, đủ tối có thể đếm được tới 90 sao băng trong một giờ (hơn 1 vệt/ 1 phút).

Một trận mưa sao băng nữa vào ngày 14/12, sao băng Geminid. Mặc dù vào thời gian đó có trăng, nhưng Mặt trăng sẽ lặn ngay sau lúc nửa đêm và để lại bầu trời tối đen, những người yêu sao băng thỏa sức chiêm ngưỡng. Khả năng có tới 120 sao băng trong một giờ.

Theo Báo Đất Việt
  • 12
  • 1.724