Những điều chưa biết về Nữ thần Tự do

  •   4,65
  • 16.437

Ngày 28/10 vừa qua người Mỹ long trọng kỷ niệm 125 năm ngày khánh thành bức tượng Nự thần Tự do tại New York, tượng trưng cho đất nước Hoa Kỳ và tổ chức lễ nhập quốc tịch cho 125 người dân đến từ 46 nước trên thế giới. Sự đa chủng tộc được ca ngợi đã làm nên sức mạnh của quốc gia này.

Người ta bảo rằng, đến New York mà chưa ghé xem Nữ thần Tự do thì chưa phải là đến New York. Có người còn nói quá lên rằng, đến Mỹ mà chưa tận mắt thấy Nữ thần Tự do thì chưa phải đến Mỹ. Sự tự hào ấy của người Mỹ không phải là không có lý, bởi lẽ, biết bao nhiêu bức tượng đẹp, hùng vĩ và có ý nghĩa ở nhiều nơi trên thế giới song dường như chẳng tượng đài nào nói lên được nhiều ý nghĩa, gắn với nhiều câu chuyện và được ghi nhận nhiều kỷ lục như bức tượng Nữ thần Tự do.

Lai lịch của bức tượng Nữ thần Tự do


Tượng Nữ thần Tự do được coi là biểu tượng của New York.

Đôi dòng lịch sử

Hàng trăm triệu người đã đến tham quan và chiêm ngưỡng Nữ thần Tự do. Nhiều người nổi tiếng ghi lại những lời xưng tụng ghi trong cuốn sổ vàng của Nhà lưu niệm. Họ nhìn lên những cánh sao trên vòng nguyệt quế, bó đuốc rực sáng, mang ý nghĩa tượng trưng rất cao và hết lời ca ngợi.

Một nhà nghiên cứu Mỹ gần đây đã phát hiện một chi tiết lịch sử. Cách đây gần một thế kỷ, năm 1912, chỉ có một người sau khi thán phục ngắm nhìn trên cao, xúc động với những lý tưởng cao quý “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, anh còn nhìn xuống chân tượng mà trầm tư. Anh bước vào nhà lưu niệm ghi những dòng chữ đại ý: Tượng giơ cao ngọn đuốc Tự do, Bình đẳng, Bác ái như vậy, nhưng ngay dưới chân tượng, trên chính mảnh đất này, người da màu, người phụ nữ, người lao động da trắng vẫn còn bị áp bức, bóc lột thậm tệ…

Người thanh niên ấy có tên là Văn Ba, một tên của Bác Hồ yêu quý của chúng ta. Người đã từng lao động ở New York, sống tại khu phố nghèo Harlem.

Mùa hè năm 1865, tại một bữa tiệc ở Paris, một nhóm trí thức Pháp nâng cốc chúc mừng tương lai của Hoa Kỳ. Họ hoạt động trong Phong trào khôi phục nền Cộng hoà ở nước Pháp. Thắng lợi của nền dân chủ ở Mỹ đã cho họ ngọn đuốc soi đường đầy hứa hẹn. Edouard René Lefèbre de Laboulaye, chủ nhân bữa tiệc, một trí thức tiếng tăm nêu ý kiến tặng một tượng đài hùng vĩ cho nền Độc lập Hoa Kỳ. Ý tưởng đó đã chiếm lĩnh trí óc của nhà điêu khắc trẻ Frédéric Auguste Bartholdi có mặt hôm ấy.

Bartholdi trước đây đã được giao nhiệm vụ làm một tượng đài ở kênh đào Suez (Ai Cập). Ông đã phác thảo một số mô hình, tượng một phụ nữ Ai Cập dương cao ngọn đuốc. Phương án này không được chấp nhận nhưng đã gợi ý cho ông về bức tượng theo đề xuất của Laboulaye.

Năm 1871, ông lên tàu sang Hoa Kỳ, đi khảo sát rất nhiêu nơi và cuối cùng quyết định chọn hòn đảo nhỏ Bedloe ở cửa biển New York làm nơi đặt tượng. Hòn đảo này nằm ở một vị trí tuyệt đẹp, đối diện với 2 khu đông dân cư nhất của New York là Brooklyn và Manhattan. Mọi tàu bè đi vào thành phố phải đi qua trước mặt nó.

Ở Mỹ về, Bartholdi lao vào sáng tác. Kinh nghiệm từ những phác thảo trước đây và bức tranh “Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân” của họa sĩ Eugène Delacroix đã giúp ông xây dựng bức tượng “để đời” tặng nhân dân Mỹ.

Tượng là một người phụ nữ mang y phục của phụ nữ Hy Lạp hoặc La Mã thời cổ đại, tay phải giơ cao ngọn đuốc, biểu tượng của ngọn lửa Prômêtê mang đến cho loài người, tượng trưng cho Tự do, tay trái cầm một tấm bảng ghi dòng số La Mã 4/7/1776 là ngày độc lập của Mỹ . Trên trán nữ thần là một vòng nguyệt quế có 7 tia sáng toả ra tượng trưng cho 7 châu: Âu, Á, Úc, Mỹ, Phi, Bắc cực và Nam Cực. Dưới chân tượng, có một đoạn xiềng xích bị phá vỡ, tượng trưng cho việc xoá bỏ chế độ nô lệ và nạn độc tài trên thế giới.

Người ta bảo rằng nét mặt thanh tú và cương nghị của Nữ thần Tự do được dựa trên chân dung của chính thân mẫu của Bartholdi, người đã khích lệ nhà điêu khắc đi vào nghệ thuật. Còn tư thế và cánh tay giơ cao ngọn đuốc là của cô thiếu nữ xinh đẹp Jeanne de Pusieux đã kiên nhẫn đứng làm mẫu cho ông sáng tác. Tình yêu nảy sinh, cô đã trở thành vợ của ông.

Năm 1875, ở Pháp, Hội Pháp-Mỹ được thành lập để quyên góp tiền xây dựng bức tượng. Việc này chẳng dễ dàng thực hiện vì nước Pháp thời đó chìm đắm trong chế độ phong kiến hà khắc của Napoleon III. Nhưng cuối cùng, sau 19 năm lao động vất vả, vượt qua mọi thiếu thốn về vốn liếng, vật liệu, nhân công… bức tượng đã được đúc xong tại Paris năm 1884.

Vài nét về quá trình đúc và dựng tượng

Sau khi hình mẫu đã được thông qua, Bartholdi chỉ huy việc đúc tượng tại xưởng Gaget, Gauthier & Company . Ông áp dụng kỹ thuật rập nổi các lá đồng dày từ 2,5 đến 3mm thay cho kỹ thuật đúc đồng thông thường. Kết cấu tượng được giao cho kỹ sư Gustave Eiffel (lúc này, tuy chưa làm Tháp Eiffel nhưng ông đã nổi tiếng với những cây cầu thép lớn). Tượng cao 45,30m, thời đó là một độ cao khủng khiếp. Cấu trúc chịu lực là một trụ trung tâm gồm 4 cột sắt giằng chặt vào nhau. Trụ này cao 29m, neo chặt vào bệ tượng. Trên đỉnh có một trụ thứ hai cao 12,2m để giữ cánh tay cầm đuốc. Một hệ khung nữa tách ra khỏi trụ trung tâm để gắn các tấm đồng đúc rời của tượng, có độ linh hoạt cao, cho phép các tấm đồng co giãn theo nhiệt độ và làm tượng chuyển động cùng với gió. Cả khối tượng có thể đu đưa 10cm, ngọn đuốc có thể dao động 13cm.

Tượng đúc ở Pháp, còn phần bệ tại Hoa Kỳ được giao cho kiến trúc sư Mỹ Richard Morris Hunt thiết kế từ năm 1881. Song người Mỹ không tin vào sự thành công của công trình táo bạo này, cho rằng chỉ là một dự án vu vơ của “một anh chàng Pháp mơ mộng” nên mãi 3 năm sau bản thiết kế mới được duyệt và do vậy thi công chậm so với tiến độ của phía Pháp. Bệ tượng cao 26,7cm, màu vàng lấp lánh đặt tại giữa pháo đài Fort Wood trên đảo Bedloe.

Bức tượng đúc xong, sau một thời gian triển lãm tại quê nhà, ngày 19/6/1885, chiếc tàu thuỷ Isere của Pháp chở bức tượng tháo rời, đựng trong 214 thùng gỗ đến đảo Bedloe. Tháng 5/1886, tượng được dựng lên bệ. Các công nhân đã sử dụng 300.000 chiếc đinh tán để ghép nối 80.640 tấm đồng vào khung mà không dùng dàn giáo, họ thường làm việc bằng cách treo lơ lửng trên không bằng dây thừng.

Ngày 23/10/1886, tấm đông cuối cùng được ghép xong. Nữ thần Tự do mặt hướng ra biển cả bao la giữa bầu trời lồng lộng.

Ngày 28/10/1886, chính thức bàn giao bức tượng nhân dân Pháp tặng nhân dân Mỹ trong một buổi lễ hết sức trọng thể trong niềm sung sướng và tự hào của hai dân tộc. Cả thành phố đổ ra đường và kéo đến cảng để chứng kiến lễ khánh thành. Một hạm đội lớn, mang màu sắc của ngày hội diễu hành trên biển. Tổng thống Mỹ đương nhiệm là Grover cắt băng khai mạc.

Từ ngày đó, Mỹ có một “báu vật truyền quốc” mang ý nghĩa lịch sử. Lúc ấy, nước Mỹ giàu có và còn hoang sơ đang tiếp nhận một cuộc nhập cư từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Vị Nữ thần tượng trưng cho đất nước non trẻ này, đứng nơi cửa vào, giơ cao ngọn đuốc soi sáng lối vào vùng đất tự do, với tấm lòng bao dung rộng mở, sẵn sàng tiếp đón những con người khốn khổ, những tâm hồn mệt mỏi vì một vết thương lòng nào đó, những người dắt díu nhau từ bỏ quê hương để đi tìm cuộc sống mới.

Ngọn đuốc của nữ thần sáng bằng 2.500 lần ánh trăng rằm. Chưa có bức tượng nào trên thế giới lớn hơn tượng Nữ thần Tự do. Chưa địa điểm nào trên Trái đất đón nhận dân tứ xứ kéo đến đông như New York, đúng như lời thơ của thi hào Emma Lazurus khắc dưới chân tượng “Cứ đến đây đi, những người mệt mỏi, nghèo khó…”.

Một vài số liệu

Bức tượng Nữ thần Tự do có tên gọi chính thức là “Tự do thắp sáng thế giới” (Liberty enlighten the world).

Mẫu ban đầu tượng cao 1,2m, sau đó các mẫu cứ tăng dần kích thước cho tới có được quy mô lớn, tương ứng với vẻ thoáng rộng trên đảo Redloe (sau đổi tên thành đảo Tự do). Trên thực tế, riêng bức tượng nặng 225 tấn, không kể bệ và những cột, những giàn giáo gia cố bên trong. Tượng cao 46m, phần bệ 47m, tổng cộng 93m. Tương ứng với chiều cao ấy, lưng của bức tượng rộng 10,6m, miệng rộng 91cm, ngón tay giữa của Nữ thần dài 2,4m, móng tay 33cm, lửa trên ngọn đuốc dài 12,8m.

Bài thơ gợi lên hình ảnh những con người tha hương lũ lượt kéo sang đây hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, biến New York thành thành phố lớn nhất thế giới của hàng trăm sắc dân.

Tượng Nữ thần Tự do trở thành một địa điểm tham quan hàng đầu thế giới thu hút mỗi năm 2 triệu du khách đến tham quan.

Chân tượng đài trước đây là một pháo đài đứng canh bờ biển thì nay là một bảo tàng lịch sử về sự ra đời của tượng đài. Hệ thống thang máy và mấy trăm bậc thang dẫn các du khách lên tận đỉnh đầu của tượng. Chỉ riêng khoảng không gian bên trong của đầu tượng cùng lúc có thể chứa 400 người. Từ đây, nhìn hết tầm mắt, có thể thấy biển khơi mênh mông, tàu bè qua lại cũng như thành phố New York với những tòa nhà chọc trời hùng vĩ. Chỉ tiếc là không còn toà Tháp đôi ngất ngưởng, đã bị bọn khủng bố đánh đổ sập 10 năm về trước.

Ngoài việc thu hút được hàng triệu người nhập cư đến đảo Ellis Island lân cận, bức tượng còn có một chức năng thực tiễn hơn là làm ngọn hải đăng, dẫn đường cho các tàu vào vịnh. Vì thế lúc đầu bức tượng được đặt dưới sự quản lý của Ủy ban Hải đăng Mỹ, rồi sau đó, dưới sự quản lý của Công viên quốc gia.

Tại Việt Nam từng có tượng Nữ thần Tự do

Nhà điêu khác Bartholdi đã làm một bức tượng đồng cao khoảng 3m để triển lãm và bức tượng này được mang đến Việt Nam trưng bày trong một hội chợ, tổ chức tại khu đất phố Tràng Thi, nay là Thư viện quốc gia. Sau hội chợ, tượng hồi đó gọi là Tượng Bà đầm xoè được đặt tại một địa điểm đẹp thuộc vườn hoa trung tâm trên một bệ đá khá cao ở Bờ Hồ (nay thuộc Khu vực Uỷ ban nhân dân Hà Nội, ngay cửa nhà 12 Lê Lai thẳng ra). Đến ngày 17/1890, Pháp chuyển tượng Nữ thần đến vườn hoa Neyret (nay là vườn hoa Cửa Nam) và thay thế băng tượng toàn quyền Pháp Paul Bert.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Thị trưởng Hà Nội lúc ấy là bác sĩ Trần Văn Lai đã dẹp luôn tượng “bà đầm xoè” vì là dấu ấn của Pháp, cất vào kho. Sau này khi làng Ngũ Xã đúc tượng A Di Đà đã xin lại tượng nữ thần, lấy đồng để đúc tượng Phật. Như vậy, nữ thần đã nằm trong thân tượng Phật nặng 16 tấn hiện đặt tại chùa Ngũ Xã, Hà Nội.

Theo Vietnamnet
  • 4,65
  • 16.437