Những sát thủ "kịch độc" ẩn mình trong vẻ ngoài vô hại

  •  
  • 3.866

Mang vẻ ngoài hiền lành nhưng sự thật là những loài động vật này ẩn chứa sức mạnh khiến nhiều người khiếp vía.

Con người thường cảm thấy bị đe dọa bởi những loài động vật đáng sợ như chó sói, gấu hay cá mập.

Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ có thể đánh giá thấp sức mạnh của Mẹ tự nhiên, bởi lẽ trong thiên nhiên tồn tại rất nhiều loài vật có vẻ ngoài tưởng chừng đẹp đẽ và vô hại nhưng lại có khả năng gây chết người.

1. Sâu bướm có gai “tẩm” độc

Đây là dạng ấu trùng của loài sâu bướm Megalopyge opercularis. Chúng là một trong những loài ấu trùng độc nhất của Mỹ.

Đằng sau lớp gai tưởng chừng vô hại kia là một bẫy gai tẩm độc. Chất độc của chúng có thể khiến bất cứ ai chạm vào phải đi cấp cứu.

Những sát thủ "kịch độc" ẩn mình trong vẻ ngoài vô hại

Các triệu chứng nhiễm độc là đau quặn bên trong, khó thở, sưng tấy toàn thân, lên cơn sốt, nôn mửa và thậm chí là tê liệt tạm thời.

Nếu không cứu chữa kịp thời, tới ngày thứ 3 nạn nhân có thể chìm vào hôn mê vì chất độc của sâu bướm Megalopyge opercularis.

2. Kì nhông biến thành lớp vỏ vững chắc

Những sát thủ "kịch độc" ẩn mình trong vẻ ngoài vô hại

Cordylus cataphractus là loài kì nhông sống ở Nam Mĩ. Khi có kẻ thù tiếp cận, liền co đuôi lại và tạo thành một quả bóng tròn gần như bất khả xâm phạm để bảo vệ phần bụng dưới của mình.

Kẻ thù sẽ không thể gỡ được phần vảy nhọn cứng như đá này. Khi tình huống trở nên xấu đi, chúng sẽ tách lớp vỏ ra và đớp kẻ thù mạnh tới nỗi có thể làm vỡ quai hàm của chính mình. Loài kì nhông này thậm chí còn được một số người bắt làm thú nuôi.

3. Cá nóc hòm sừng có khả năng hạ gục một hạm đội

Sở dĩ con cá nóc hòm sừng này có tên như vậy vì nó giống một con trâu có gai dài nhô ra trên đầu (chúng còn có tên là hải ngưu). Chiếc gai này có thể mọc lại khi bị gãy. Cơ thể cá nóc có nhiều màu khác nhau và thường có những chấm trắng trên thân.

Những sát thủ "kịch độc" ẩn mình trong vẻ ngoài vô hại

Loài cá nóc Lactoria cornuta sống ở vịnh đá ngầm Thái Bình Dương vốn bơi rất chậm và dễ dàng bị bắt nhưng lại có chất độc chết người.

Khi cảm thấy bị đe dọa, chúng tiết ra một chất có tên gọi là ostrcitoxin có khả năng giết chết cả đàn cá và chính bản thân nó. Bên cạnh đó, khi bị bắt chúng còn phát ra những tiếng kêu kì lạ.

4. Loài chuột nhím tẩm độc

Loài chuột nhím này sống ở Đông Phi và có tên gọi khoa học là Lophiomys imhausi. Loài chuột nhím có kích cỡ to bằng một chú chó và điểm đặc trưng là thường nhai vỏ cây chứa độc tố cực cao có tên gọi Acokanthera để chiết xuất chất độc ouabain.

Những sát thủ "kịch độc" ẩn mình trong vẻ ngoài vô hại

Chất ouabain thường được dân địa phương tẩm lên các mũi tên bởi độ độc của chúng rất mạnh - đủ khả năng hạ gục cả một con voi. Tuy nhiên, chuột nhím lại dường như miễn dịch với độc tố này.

Chất độc được hấp thụ vào các sợi lông rỗng đặc biệt ở hai bên sườn của con vật. Khi bị tấn công, chuột nhím xù lông tua tủa. Bất kỳ động vật ăn thịt nào phớt lờ lời cảnh báo đó và xông vào cắn chuột nhím sẽ phải hối tiếc hoặc chết vì suy tim.

Khi quan sát dưới kính hiển vi, mỗi chiếc lông trông khá phức tạp với một hệ thống tường bao bên ngoài và một bó sợi trong lõi, giúp hấp thụ và lưu trữ chất độc ở dạng lỏng.

5. Cóc mọc râu sắc như kiếm

Nhiều người thường cho rằng, ếch, cóc là một loài vật hiền lành nhưng điều này không đúng với loài cóc Leptobrachium boringii đến từ Trung Quốc này.

Những sát thủ "kịch độc" ẩn mình trong vẻ ngoài vô hại
Cóc Leptobrachium boringii là loài lưỡng cư và thường sống ở vùng ôn đới

Cóc Leptobrachium boringii có một đặc điểm rất kỳ lạ, đó là phát triển những "bộ râu" sắc nhọn như kiếm ở phần môi trên. Cứ đến mùa sinh sản, những con cóc đực lại mọc thêm từ 10 - 16 gai để cạnh tranh với đồng loại và chiếm được cảm tình của cóc cái.

Lúc này, Leptobrachium boringii sẽ trở nên hung hãn khác thường. Những chiếc râu sắc nhọn như kiếm được sử dụng để đâm vào đối phương.

Những sát thủ "kịch độc" ẩn mình trong vẻ ngoài vô hại

Theo các nhà nghiên cứu, 90% cuộc chiến giữa các loài Leptobrachium boringii xảy ra trong thời mùa giao phối, sinh sản.

Khi mùa sinh sản kết thúc, cóc mất đi sự hiếu chiến, lùi về chăm sóc những con cóc cái đang mang thai và đẻ trứng trên mặt đất.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 3.866