Những thắng cảnh siêu thực nhất thế giới

  •   3,52
  • 3.274

Vịnh Hạ Long của Việt Nam được xếp vào danh sách "Những nơi có vẻ đẹp siêu thực nhất thế giới", do tờ Telegraph bình chọn. 

Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ tây Vịnh Bắc Bộ. Với diện tích khoảng 1.553 km2, vịnh được tạo nên bởi 1.969 đảo, trong đó đa số là đảo đá vôi. Năm 1994, Ủy ban Di sản Thế giới công nhận vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ. Vào năm 2000, Hội đồng Di sản Thế giới công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ hai với giá trị về địa chất và địa mạo.

Thung lũng Hoang tàn tại Dominica từng là một khu rừng nhiệt đới. Năm 1880, một núi lửa phun trào biến nơi đây thành hoang mạc. Hệ động vật và thực vật trở nên nghèo nàn. Ngày nay chỉ còn thằn lằn, kiến, gián sống trong thung lũng bởi bùn nóng và núi lửa vẫn thường xuyên thiêu đốt nơi này.

Bị thiêu đốt bởi nhiệt từ mặt trời, hoang mạc Arizona tại Mỹ giống hệt một bức tranh điêu tàn với các gam đỏ gắt, cam, xanh, xám và hồng.

Công viên quốc gia Purnululu ở phía tây Australia hầu như không được thế giới biết đến dù bức ảnh đầu tiên về nó được công bố từ năm 1980. Trước kia công viên quốc gia này là nơi cư trú của thổ dân vào mùa mưa.

Rừng đá nằm ở vùng đất khô cằn Patagonia ở phía nam Argentina. Nó sở hữu rất nhiều gốc cây hóa thạch. 130 triệu năm trước, nơi đây là những cánh rừng bách tán khổng lồ, ẩm ướt. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành dãy núi Andes, những miệng núi lửa khổng lồ đã đốt cháy Patagonia và những cánh rừng tại đây hóa đá.

Sa mạc Mặt trăng, còn gọi là Wadi Rum, ở phía nam Jordan có những thung lũng cát, đụn cát khổng lồ. Chúng được ngăn cách bởi những núi đá nguyên khối, những mái vòm tự nhiên, hẻm núi hẹp. Lúc bình minh, hoàng hôn hay khi màn đêm buông phủ với ngàn sao lấp lánh trên bầu trời, sa mạc mang một vẻ đẹp buồn. Mặc dù hoang vu, Wadi Rum là nơi sinh sống của nhiều bộ tộc người từ thời tiền sử. Họ để lại dấu ấn thông qua những bức vẽ trên đá và đền thờ.

Hồ Myvatn tại Iceland nằm gần một khu vực có nhiều núi lửa vẫn hoạt động. Với diện tích mặt nước khoảng 37 km2, nó được bao quanh bởi các miệng núi lửa, cột dung nham, hố bùn và nhiều đảo nhỏ xung quanh. Myvatn và các đầm lầy xung quanh nó có hệ thực vật vô cùng phong phú cùng vô số loài chim nước, đặc biệt là vịt.

Vùng Cappadocia nằm ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ. Nó từng là một trong những trục đường giao thông chính thời cổ đại. Người Do Thái xây những thành phố ngầm bên dưới vùng Cappadocia để trốn chạy sự truy đuổi của quân đội La Mã. Bên trên, thung lũng Cappadocia có vô số những cột đá hình chóp. Chúng hình thành do nham thạch núi lửa phun trào, hay bị bào mòn bởi mưa, gió, nước.

Bogoria là tên một hồ nước mặn rộng lớn nhưng rất nông (độ sâu khoảng 10 m) ở Kenya. Với chiều dài 34 km và chiều rộng 3,5 km, nó là một trong những thiên đường của chim hồng hạc. Do nằm trong vùng núi lửa, hồ Bogoria có rất nhiều mạch nước nóng phun lên từ đáy. Sự hiện diện của các loại muối và nước nóng khiến cho không có bất kỳ loại tảo nào có thể sống được ở đây.

Theo VnExpress
  • 3,52
  • 3.274