Những thí nghiệm lạ lùng

  •  
  • 1.035

Trong năm 2007, giới khoa học đã thực hiện không ít thí nghiệm lạ lùng mà ai nghe đến cũng phải nhướng mày: "Làm thế để làm gì?". Tại sao các nhà khoa học nghiên cứu khí đánh rắm của kangaroo? Lập bản đồ gen của nấm gây gàu để làm gì?

Nhật báo Anh The Independent soi xét lại các thí nghiệm đó là tìm ra câu trả lời: tất cả cũng chỉ để phục vụ con người, làm cho đời sống con người tốt hơn.

Cái đánh rắm của kangaroo có gì hay?

Một nhóm nhà khoa học ở Queensland (Úc) đã dành bốn năm để nghiên cứu về… khí đánh rắm của kangaroo. Kết quả (hoàn toàn nghiêm túc) vừa công bố vào tháng trước, khẳng định: loài chuột túi này thải ra khí đánh rắm thân thiện với môi trường! Trong dạ dày kangaroo có một loại vi khuẩn khiến khí đánh rắm của chúng không chứa methane, loại khí thải có hại hơn cả CO2.

Hiện nay, gia súc trang trại là "thủ phạm" của 14% lượng khí thải nhà kính ở Úc, xếp thứ hai sau các nhà máy điện. Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Athol Klieve dẫn đầu tin rằng việc giải mã bí mật này có thể giúp "cải tạo" khí thải của các loài gia súc khác, làm chúng thân thiện với khí hậu hơn. Từ nghiên cứu này, người ta sẽ sản xuất loại thuốc có bổ sung vi khuẩn của kangaroo rồi trộn vào thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, phải chờ ít nhất ba năm nữa loại thuốc này mới được hoàn thiện và bán ra thị trường.

Sao phải cho giun tròn uống thuốc chống trầm cảm?

(Ảnh: Javno.com)Một nhóm nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ) đã cho giun tròn uống thuốc chống trầm cảm. Hẳn nhiên không phải để trị bệnh, vì loài thân mềm có chiều dài 1mm và tuổi thọ chỉ ba tuần này làm gì có chuyện để ưu phiền!

Thật ra, nhà khoa học Michael Petrascheck và cộng sự muốn tìm cách kéo dài tuổi thọ của chúng. Họ đã thử cho một nhóm giun tròn uống 80.000 hỗn hợp thuốc ngẫu nhiên để xem có loại nào làm chúng sống lâu hơn. Cuối cùng, một loại thuốc chống trầm cảm có tên Mianserin đã giúp giun tròn sống thêm gần một tuần lễ! Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao. Họ chỉ biết thuốc này đánh lừa con giun, khiến nó nghĩ rằng nó đang đói. "Đây không phải là một phương pháp làm cho con người trường sinh bất lão, nó chỉ giúp ta hiểu hơn về các chứng bệnh liên quan đến tuổi tác" - Michael Petrascheck giải thích về nghiên cứu của mình.

Lập bản đồ gen loại nấm gây gàu để làm gì?

"Cách duy nhất để kiểm soát gàu là làm ra dầu gội đầu trị gàu. Nhưng điều này thường không hiệu quả vì đôi khi các loại nấm trú ngụ trên da đầu trở nên miễn nhiễm với dầu gội" - tiến sĩ Thomas Dawson giải thích. Để biết cách trị nấm Malassezia globosa, loại nấm gây ra nỗi khổ sở trên da đầu của hơn một nửa dân số thế giới, trước hết phải biết chúng hoạt động như thế nào. Và để tìm hiểu một sinh vật, cách tốt nhất là giải mã ADN của nó.

Tiến sĩ Thomas Dawson, làm việc tại trung tâm cải tiến của P&G Beauty (thuộc Tập đoàn hàng tiêu dùng P&G tại Mỹ) và cộng sự đã nuôi 10 lít nấm, đủ để gây ra gàu cho 10 triệu người, và giải mã gen của chúng. Công trình này được công bố trên tạp chí Biên bản Viện hàn lâm Khoa học Mỹ vào tháng mười một năm ngoái, cho thấy nấm M. globosa có thể tạo ra 50 enzyme riêng biệt gây gàu. Hi vọng bản đồ gen của loại nấm này sẽ giúp tạo ra những loại dầu gội trị gàu hiệu quả hơn.

Bôi chất chống dính lên ếch để làm gì?

Nghiên cứu da ếch để bảo vệ con người 
(Ảnh: Xenopus.com)

Vào tháng tám năm ngoái, các nhà khoa học của Đại học Michigan (Mỹ) công bố chi tiết về thí nghiệm tạo ra tế bào da ếch không dính! Thật ra, từ thập niên 1980, giới khoa học đã đặc biệt quan tâm đến loài ếch vì da chúng tạo ra protein chống vi trùng (AMP). Đây là tuyến "thành trì”  vững chắc của hệ miễn dịch, giúp chống các loại virus, vi trùng và vi khuẩn khi chúng tìm cách xâm nhập cơ thể. Nhờ đó, loài ếch có thể chống bệnh nhiễm trùng rất hiệu quả.

Các nhà khoa học đã thử khai thác lợi ích này bằng cách cho AMP vào kem bôi da và các hỗn hợp thường dùng để chống nhiễm trùng ở người. Tuy nhiên enzyme trong da người lại dính vào AMP, làm mất tác dụng của loại protein này.

Để ngăn chặn sự kết dính này, các nhà khoa học bèn nghĩ đến Teflon, một loại chất chống dính (thường dùng cho chảo không dính). Nhóm nghiên cứu do nhà hóa học Neil Marsh dẫn đầu đã phát hiện khi kết hợp Teflon với AMP, họ làm tăng độ bền của AMP, ngăn chúng phản ứng với các protein khác trên cơ thể người. Các nhà khoa học đã chiết xuất AMP từ loài ếch lùn châu Phi để làm thí nghiệm và tạo ra một loại AMP không dính. Họ hi vọng loại AMP này sẽ giúp ích việc tiêu diệt những loại vi khuẩn kháng thuốc, tạo thành kem bôi chống nhiễm trùng mắt hoặc lở loét da cho bệnh nhân tiểu đường...

THANH TRÚC

Theo Tuổi trẻ
  • 1.035