Nông dân sành cơ khí, mê sáng tạo

  •  
  • 4.397

Chỉ 1 giờ có thể cắt được 2 tấn sắn, tiết kiệm thời gian gấp 10 lần so với cắt sắn bằng tay. Công suất của máy chỉ 350W (3 tiếng đồng hồ mới mất 1 số điện). Chiếc máy cắt sắn do anh nông dân Đào Văn Huy chế tạo đã trở thành cứu cánh cho nhiều hộ dân trồng sắn.

Hơn 8 năm nay, nông dân hợp tác xã Đại An Khê, thôn An Thái, Hải Thượng, Hải Lăng,Quảng Trị (quê anh Huy) đã không còn cảnh phải ngồi cắt sắn bằng tay nữa. Thay vào đó, họ sử dụng loại máy cắt sắn do anh Huy chế tạo vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong việc thu hoạch mùa màng.

Nông dân mê sáng tạo

Là một người thuần chất nông dân nhưng vốn có rất nhiều tài lẻ về cơ khí, nên anh Huy thường dành phần lớn thời gian để mày mò, nghiên cứu, sửa chữa, chế tạo các loại máy móc dùng trong gia đình. Ý tưởng sáng chế ra một loại máy cắt sắn được nung nấu trong anh từ năm 2004. Khi anh nhận thấy vào giai đoạn ấy, phần lớn bà con ở địa phương anh đầu tư trồng sắn, nhưng công đoạn thu hoạch, cắt sắn thành lát phơi khô hầu như đều làm bằng thủ công, vừa mất thời gian vừa tốn công sức.

Để có được chiếc máy cắt sắn hoàn thiện anh Huy đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ, hình dung ra về nguyên lý hoạt động của máy. Sau đó, anh tiến hành tìm kiếm và tập hợp những vật liệu có liên quan. Khi cơ bản đủ vật liệu bao gồm tôn, moay-ơ xe đạp, vành xe đạp, dây cu-roa của máy cày và máy bơm nước cũ loại nhỏ..., Anh bắt đầu hàn tôn thành chiếc mâm dài khoảng 1m, rộng 50cm. Trên mâm có từ 2 - 4 lỗ tròn để củ sắn lọt vào, phía dưới mâm có 1 lưỡi dao. Hàn các thanh sắt cao khoảng 40 - 50m làm chân mâm.

Chiếc máy thoạt nhìn qua có vẻ đơn giản, tuy nhiên để chế tạo ra nó anh Huy đã mất nhiều công sức nghiên cứu và thực hành. Thật không hề đơn giản để khi thả củ sắn vào các lỗ trên mâm, cắm điện vào, thì moay-ơ xoay, mâm xoay theo và lưỡi dao vận hành cắt sắn và tạo ra những khoanh tròn đều đẹp mắt.

Anh Huy bên sản phẩm của mình
Anh Huy bên sản phẩm của mình

Mùa thu hoạch năm 2004, khi đưa máy vào thử nghiệm, bà con quê hương anh rất phấn khởi vì nó mang lại hiệu quả rõ rệt.

“Thợ cơ khí” mát tay

Tiếng lành đồn xa, đến nay, đã có trên 1.000 người tìm đến anh Huy đặt hàng máy. Không chỉ nông dân trong tỉnh tìm đến anh mua, sửa chữa các loại máy cơ khí mà bà con ở tận huyện Phong Điền, Phong Thủy, Thừa Thiên Huế và các vùng lân cận khác cũng trở thành những khách hàng thường xuyên của anh. Mọi người sau khi sử dụng máy đều có chung suy nghĩ là khâm phục sự sáng tạo đầy tính thực tế của anh. Vì nó không những giúp bà con bớt vất vả trong việc thu hoạch sắn, mà còn giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ mạnh dạn đầu tư thêm.

Không chỉ được biết đến là một “nhà sáng chế” nông dân, anh Huy còn nổi tiếng là một thợ cơ khí mát tay. Mặc dù chưa từng qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nghề sửa chữa máy móc nào, nhưng hầu như các loại máy vào tay anh đều được sửa chữa tốt và sử dụng hiệu quả. Thành tích sáng tạo của anh cũng không chỉ dừng lại ở mỗi loại máy cắt sắn, anh Huy còn mua các loại máy gặt lúa cũ do Nhật Bản sản xuất về sửa chữa, mài lại lưỡi cắt và tạo ra chiếc máy gặt lúa bằng tay.

Loại máy này rất phù hợp với ruộng có địa hình bậc thang, hiệu quả về thời gian và tiện dụng cho người sử dụng.Trong những đợt cao điểm đến mùa vụ, anh phải làm việc cả ngày lẫn đêm để sản xuất ra các loại máy cũng như sửa chữa máy cày, máy bơm nước, máy gặt lúa…cho khách.

Theo Báo Đất Việt
  • 4.397