Nữ hoàng ngô Philippines

  •  
  • 1.077

Từ bà mẹ Philippines đơn thân, chật vật chuyện cơm áo gạo tiền, Rosallie M.Ellasus vừa nuôi ba con trưởng thành vừa đạt thành tựu trong công nghệ sinh học để được mệnh danh là "Nữ hoàng ngô" và "Đại sứ ngô của châu Á".

Khác với hình ảnh người nông dân trong suy nghĩ của nhiều người, Rosallie M.Ellasus lại khiến nhiều người mới gặp nghĩ ngay đến một doanh nhân giàu có. 54 tuổi, Rosallie sở hữu đôi mắt sáng, bà mặc váy, đi giày cao gót, trang điểm nhẹ nhàng, nói chuyện bằng tiếng Anh nhuần nhuyễn. Bà thường là đại diện của Philippines tham dự nhiều hội nghị liên quan đến biến đổi gene và lần nào cũng khiến các đại biểu khác ngỡ ngàng bởi lối diễn thuyết đầy thuyết phục về công nghệ sinh học, nhất là con đường làm giàu nhờ cây trồng biến đổi gene.

Trước khi làm nghề nông, vì "miếng cơm manh áo" Rosallie từng tới Singapore làm người giúp việc. Năm 1995, chồng qua đời để lại ba con nhỏ, Rosallie buộc phải quay trở lại Philippines. Khi đó tìm việc rất khó khăn, bà quyết định làm nông nghiệp. Dành toàn bộ tiền mua được 1,3 ha đất tại San Jacinto, bà mong muốn nuôi được các con ăn học tại một trong số trường đại học tốt đất nước.

"Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy như giấc mơ, bởi lúc đó tôi không hề có chút kiến thức hay bất kỳ sự am hiểu nào về cây trồng", bà Rosallie nói.

Nữ hoàng ngô Philippines
Bà Rosallie M.Ellasus trong một hội thảo bàn về cây trồng biến đổi gene ở Indonesia. (Ảnh: Hương Thu)

Thời gian đầu, lợi nhuận mà bà thu được từ việc trồng ngô chỉ khoảng 100 USD/năm; ruộng ngô liên tiếp bị sâu bệnh, rất khó tiêu thụ. "Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác tuyệt vọng của mình khi ruộng ngô không bán được cho ai", Rosallie nói.

Để nâng cao năng suất cây trồng, năm 2001, Rosallie tham gia khoá đào tạo nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ngô. Nhờ ứng dụng những điều này mà năng suất và chất lượng ruộng ngô của bà đã bắt đầu tăng lên.

Năm 2002 bà có dịp cùng một số nông dân khác tới thăm và học hỏi kinh nghiệm tại Pangasinan, nơi trồng giống ngô biến đổi gene đầu tiên tại Philippines. "Đây chính là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi", bà Rosallie nói.

"Nhìn ruộng ngô biến đổi gene khác hẳn với ngô thông thường, tôi và nhiều người khác khao khát một ngày nào đó sẽ được sở hữu ruộng ngô như thế", bà Rosallie cho hay. Tuy nhiên, lần đầu nhìn thấy giống ngô này, bà không tin lắm về khả năng kháng sâu gây hại, nhất là sâu đục thân. "Tại sao nó lại khác như thế", Rosallie đặt nghi vấn bởi các bắp ngô có hạt đẹp và chắc - điều mong ước của nhiều nông dân trồng ngô.

Đến khi biết bí quyết của sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học, Rosallie đã trở thành người tiên phong trong việc trồng ngô biến đổi gene ngay khi trở về địa phương, bà nói thêm.

Tháng 11/2002, bà Rosallie bắt đầu triển khai điểm trình diễn ngô biến đổi gene và gặt hái ngay thành quả. Bà còn tuyên truyền ưu điểm của ngô biến đổi gene cho các nông dân khác và nhận được sự ủng hộ từ họ. Năm 2005, Rosallie cũng là người tiên phong trong việc trồng ngô biến đổi gene kháng sâu và thuốc trừ cỏ.

"Trồng ngô biến đổi gene không cần bất kỳ công nghệ nào, áp lực làm cỏ trước đây cũng không còn, lại không mất tiền mua thuốc trừ sâu và thuê nhân công phun thuốc, lợi nhuận thu được lên tới hơn 40%", bà cho hay. Bên cạnh đó, người nông dân không bị ảnh hưởng sức khỏe bởi hóa chất từ thuốc trừ sâu.

"Nhờ ngô biến đổi gene tôi đã nuôi dạy ba đứa con ăn học nên người. Chúng tốt nghiệp trường Đại học tốt và cuộc sống của cả nhà đã ổn định", bà nói.

Không phủ nhận giá ngô biến đổi gene đắt hơn giá ngô thông thường khoảng 3% nhưng từ năm 2001 đến 2008, sản lượng ngô tại cánh đồng 1,3 ha của bà đã tăng gấp đôi từ 3,5 tấn lên tới 7 tấn. Hiện diện tích ruộng ngô của do bà làm chủ lên tới 13 ha với sản lượng đạt gần 9 tấn/ha. "Trừ tất cả chi phí, mỗi ha mang lại cho tôi khoảng 2.000 USD/năm, tức mỗi năm thu về 24.000 USD/năm", Rosallie cho biết.

"Nông dân Philipines không ai phản đối việc trồng ngô biến đổi gene. Thậm chí họ còn đang chờ đợi cây cà tím được giới chức đồng ý thương mại hóa", Rosallie nói thêm.

Với những thành công đạt được, Rosallie được nhiều người gọi là "Nữ hoàng ngô", "Đại sứ ngô châu Á". Rosallie cho biết sẽ tiếp tục ứng dụng tiến bộ của công nghệ sinh học vào nông nghiệp.

Bà không chỉ là nông dân, mà còn là nhà khoa học, người lãnh đạo và doanh nhân thực thụ. Năm 2007, bà đã đoạt giải nữ nông dân suất sắc nhất trong nỗ lực cải tạo giống. Từ 2001 đến nay, bà Rosalia là Chủ tịch Hiệp hội ngô Philippines, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hợp tác xã trồng ngô quốc gia.

Theo VNE
  • 1.077