Nước Mỹ thực sự trở lại điện hạt nhân

  •  
  • 597

Sau hơn 30 năm không xây thêm nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) nào, kể từ sau tai nạn Three Mile Island năm 1979, nước Mỹ đã cho khởi động xây NMĐHN mới.

Nước Mỹ cần thêm khoảng 45 lò phản ứng nữa vào năm 2030 - Ảnh: Planetark.com

Sức nặng của lời tuyên bố

Tuần vừa qua, ngày 16/2/2010, trước báo giới trong chuyến thăm tới một trung tâm đào tạo ở ngoại ô Thủ đô Washington, Tổng thống Obama đã đưa ra lời tuyên bố gây ấn tượng, thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.

Rằng: chính quyền liên bang sẽ đứng ra bảo lãnh để giúp Công ty điện lực Southern Company đặt ở Atlanta vay 8,3 tỷ USD nhằm xây hai lò phản ứng hạt nhân phát điện mới, có công suất 1.100 MW nhằm mở rộng NMĐHN hiện nay ở gần Augusta, tiểu bang Georgia.

Hai lò phản ứng này sẽ làm giảm 16 triệu tấn carbon gây ô nhiễm mỗi năm, và có thể cung ứng điện cho 550.000 hộ gia đình hoặc gần 1,5 triệu người dân. Dự án cũng sẽ tạo ra 3.000 công ăn việc làm trong lĩnh vực xây dựng và khoảng 850 nhân viên vận hành nhà máy.

Tổng thống Obama còn nhấn mạnh: “Đây chỉ là sự bắt đầu… Chúng ta sẽ tiếp tục bảo đảm tài chính cho những dự án năng lượng sạch khác… khắp nước Mỹ”. Nhà trắng còn lưu ý: trong tài khóa 2011 sẽ tăng gấp ba số tiền bảo lãnh cho các NMĐHN, vượt quá 54 tỷ USD.

Giáo sư Chu, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Mỹ nhấn mạnh thêm: Chúng ta phải hành động cật lực và nhanh chóng với mọi khả năng để chiếm lại vị trí dẫn đầu về công nghệ… Chúng ta đứng bên lề đường quá lâu rồi.

Với sức nặng và tầm quan trọng đối với nước Mỹ và cả toàn cầu, lời tuyên bố của TT Obama lập tức được các hãng thông tấn Mỹ và thế giới, như CNN, BBC v.v… phát đi. Ở Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã và Đài Tiếng nói VN cũng sớm loan báo tóm lược thông tin này.

Tình thế của sự lựa chọn

Tình thế dẫn nước Mỹ đến sự lựa chọn con đường quay trở lại và tiếp tục phát triển điện hạt nhân không làm mấy ai ngạc nhiên. Vì tình thế đó, như lời của Tổng thống Obama, có "quan hệ đến nền kinh tế, an ninh, và tương lai Trái đất”.

Trước hết, nó xuất phát từ yêu cầu của đất nước “đáp ứng nhu cầu điện năng”. Với tổng số lò phản ứng năng lượng nhiều nhất trên thế giới, 104 lò nằm rải rác ở 31 tiểu bang, điện hạt nhân bảo đảm 20% điện năng tiêu thụ cho nước Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu tăng điện năng, nước Mỹ đang tính, từ nay đến nửa thế kỷ XXI, điện hạt nhân sẽ tăng tỷ trọng từ 20% đến 50% trong sơ đồ tổng điện năng quốc gia, nếu không có nguồn điện năng mới nào khả dĩ thay thế.

Sơ đồ các nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ - Ảnh: Wikimedia

Một nguyên nhân bức xúc khác nữa là áp lực giảm phát thải khí “nhà kính” (cacbonic) nhằm ngăn ngừa hậu quả to lớn của tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu. Trong đó, Mỹ là quốc gia đứng hàng đầu (cùng với Trung Quốc) về lượng phát thải khí cacbonic, chủ yếu bởi các nhà máy nhiệt điện đốt bằng nhiên liệu hóa thạch; như than đá, dầu v.v…

Đã đến lúc nước Mỹ không thể thoái thác mãi trách nhiệm của mình, không thể trì hoãn thêm nữa những cam kết quốc tế và đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu như từng trì hoãn đặt bút ký vào Nghị định Kyoto.

Chính tình thế nói trên buộc nước Mỹ phải xây dựng thêm các lò phản ứng năng lượng, đồng thời giảm hoặc ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch. Và chính vị Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ Barack Obama đã khẳng định sự lựa chọn này: "Để đáp ứng nhu cầu gia tăng điện năng và ngăn ngừa hậu quả tệ hại của thay đổi khí hậu, chúng ta cần tăng thêm nguồn điện hạt nhân. Chân lý này rất đơn giản”.

Sự nhất quán của chính sách

Chính sách tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân của nước Mỹ thực ra đã khởi đầu từ Chính phủ tiền nhiệm thuộc Đảng Cộng hòa.

Ba năm trước, lo ngại về sự phụ thuộc vào dầu lửa Trung Đông, chính quyền của Tổng thống George Bush đã phát động chiến dịch nhằm khuyến khích các trung tâm nghiên cứu hạt nhân nguyên tử xây dựng một thế hệ các lò phản ứng hạt nhân mới vào cuối thập kỷ này.

Cũng ba năm trước, trong “Tầm nhìn 2020” của Mỹ về phát triển ĐHN, Chính phủ Bush đã phát tín hiệu về ý định xây dựng 7 lò mới để bổ sung thêm 10.000 MW công suất điện và hướng tới kế hoạch xây dựng 30 lò.

Và cũng từ bấy giờ các nhà quản lý luật lệ hạt nhân Mỹ còn cho phép các lò phản ứng từng đưa vào sử dụng vào những năm 70-80 được tăng thời hạn phát điện, kéo dài “tuổi thọ” thêm 20 năm nữa.

Một nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng tại Koodankulam, Mỹ - Ảnh: The Hindu.com

Tiếp quản chính quyền từ Đảng Cộng hòa, sau một năm điều hành đất nước, với tuyên bố ngày 16/2/2010 TT Obama thuộc đảng Dân chủ rõ ràng đã tiếp tục khẳng định nước Mỹ sẽ tiếp tục chính sách phát triển điện hạt nhân của người tiền nhiệm. Và việc đầu tư xây mới 2 lò phản ứng năng lượng hạt nhân chỉ là hành động cụ thể thực thi chính sách đó.

Như vậy, chính sách hạt nhân của nước Mỹ là nhất quán, dù chính quyền thuộc Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ. Và nước Mỹ đã có sự lựa chọn dứt khoát, xuất phát từ nhu cầu khách quan và điều này, nói như TT Obama, đơn giản là “chân lý”.

Dĩ nhiên, với những chính sách lớn nào liên quan đến hàng triệu con người, luôn tồn tại những người ủng hộ và phản đối. Trong trường hợp chính sách điện hạt nhân của Mỹ, một số người đang đặt ra câu hỏi về vấn đề địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ, yêu cầu về nâng cao tính an toàn của lò phản ứng v.v…

Trước tình hình này, vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm yêu cầu: "Do liên quan hệ với nền kinh tế, an ninh, và tương lai Trái đất, chúng ta không nên đi vào con đường cũ, tạo ra mâu thuẫn giữa phái hữu và phái tả, hoặc đối đầu giữa người bảo vệ môi trường và nhà doanh nghiệp nguyên tử rồi làm chậm tiến độ phát triển các nguồn năng lượng sạch (năng lượng hạt nhân)".

Theo VietNamNet
  • 597