Ô nhiễm không khí ở Hà Nội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

  •  
  • 5.211

Chưa bao giờ Hà Nội lại bị ô nhiễm không khí nặng nề như hiện nay, bụi đường, khói và tiếng ồn của xe máy, ô-tô… đều thải vào bầu không khí của TP, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Đó là nhận định mà các nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo “Chất lượng không khí và góc nhìn báo chí” do Chương trình không khí sạch Việt Nam – Thụy Sĩ (SVCAP) tổ chức sáng qua (18/05) tại Hà Nội.

Viện Lao và các bệnh về Phổi TƯ luôn chật kín giường vì môi trường ô nhiễm. (Ảnh: ND)

Theo thống kê năm 2006, Hà Nội có hơn 172,4 nghìn ô-tô, mỗi năm tăng 10-12%, 1,67 triệu xe máy, tăng gần 19%. Hà Nội còn có hơn 400 cơ sở công nghiệp, trong đó có gần 200 cơ sở có khả năng gây ô nhiễm không khí.

Theo báo cáo của TS Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Thông tin môi trường, Cục Bảo vệ môi trường, nồng độ bụi tại các khu dân cư gần khu công nghiệp hoặc đường giao thông lớn đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến ba lần, các công trình xây dựng vượt 10 đến 20 lần.

Điều tra về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe do hoạt động giao thông ở Hà Nội của TS, bác sĩ Nguyễn Duy Bảo, Phó Viện trưởng Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cũng cho thấy, tại một số tuyến đường và nút giao thông ở Hà Nội, tiếng ồn đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Ban ngày tiếng ồn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3,2-9,5 dBA, vào ban đêm còn cao hơn rất nhiều, từ 25,6-26,5 dBA.

Nồng độ bụi của các nút giao thông ở Hà Nội như đường Lò Đúc, nút Ngã Tư Sở… vào mùa nóng vượt tiêu chuẩn cho phép từ 4 đến 11 lần, mùa lạnh vượt từ 3 đến 6 lần.

Sau hàng loạt đợt quan trắc phối hợp giữa sở Khoa học – Công nghệ TP Hà Nội và Viện Hóa học, các nhà khoa học cho biết, mỗi năm, bầu không khí tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2.

Dự báo, đến năm 2010, nồng độ những loại khí độc hại này tại các nút giao thông trên địa bàn Hà Nội sẽ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7 đến 9 lần.

Không khí ô nhiễm nặng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, TS Nguyễn Duy Bảo cho biết.

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp ở dân cư sống quanh các đường và nút giao thông bị ô nhiễm không khí cao hơn các vùng dân cư khác, như các triệu chứng ho, khạc đờm, viêm họng, chảy nước mũi đều cao xấp xỉ gấp hai lần. Các bệnh ở mũi gấp hai đến ba lần.

Nhóm dân cư này còn có tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch cao hơn các nhóm khác, như: thay đổi bất thường trên điện tâm đồ gấp gần ba lần, thay đổi huyết áp 1,3 lần, mạch 1,8 lần, bất thường khi nghe tim gần hai lần… Tỷ lệ mắc các bệnh về mắt cũng cao gấp hai lần rưỡi, bệnh viêm tai gấp gần bốn lần, bệnh viêm da hơn hai lần…

Để giảm ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe của người dân, TS Bảo cho rằng, cần giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng; kiểm tra giám định thường xuyên khí thải của các phương tiện giao thông; sử dụng xăng có hàm lượng Sulfuro và Benzen thấp…

Tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của cộng đồng vào các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường.

HỒNG VÂN

Theo Nhân dân
  • 5.211