“Ông chủ ngân hàng của người nghèo”

  •  
  • 575

Như mọi khi, Giải Nobel hòa bình vẫn thường chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ vào phút chót. Giải năm nay không nằm ngoài qui luật đó khi người đoạt giải không thuộc những ứng viên được báo giới đánh giá cao.

Hôm qua, Ủy ban Nobel Na Uy đã chính thức vinh danh nhà kinh tế Muhammad Yunus, 66 tuổi, và Ngân hàng Grameen (GB) do ông sáng lập vì “nỗ lực giúp phát triển kinh tế và xã hội” cho những người nghèo ở Bangladesh.

“Để có nền hòa bình bền vững, phần lớn dân chúng phải có được phương cách thoát khỏi đói nghèo. Tín dụng nhỏ là một trong những phương cách đó” - ông Ole Danbolt Mjoes, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, giải thích về sự chọn lựa của năm thành viên trong ủy ban trước bản danh sách 191 ứng viên.

Muhammad Yunus sinh trưởng ở Chittagong trong gia đình có đến 14 người con mà năm trong đó đã chết từ bé do điều kiện sống thiếu thốn. Yunus lao vào học tập và tốt nghiệp ở ĐH Vanderbilt (Mỹ). Ông bắt đầu các công việc xóa đói nghèo sau khi chứng kiến nạn đói ở Bangladesh năm 1974 đã làm thiệt mạng hàng ngàn người. Hoạt động đầu tiên của ông là trích cho vay từ tiền túi khoảng 27 USD cho những phụ nữ chuyên làm các sản phẩm từ tre ở làng Jobra gần đại học Chittagong nơi ông giảng dạy.

"Ông chủ ngân hàng của người nghèo" Muhammad Yunus trong lần nhận giải World Information Society tại Geneva ngày 17-5. Đến nay ông đã nhận khoảng 60 giải thưởng và danh hiệu ở khắp thế giới vì hoạt động của mình

"Ông chủ ngân hàng của người nghèo" Muhammad Yunus trong lần nhận giải World Information Society tại Geneva ngày 17-5. Đến nay ông đã nhận khoảng 60 giải thưởng và danh hiệu ở khắp thế giới vì hoạt động của mình (Ảnh: AFP)

Năm 1976, ông sáng lập Ngân hàng Grameen giúp người nghèo với các khoản vay nhỏ 50-100USD mà không đòi hỏi thế chấp hay bảo đảm. GB tạo ra phương thức hoạt động mới là các “nhóm đoàn kết” để các thành viên quản lý việc trả tiền vay và để hỗ trợ lẫn nhau.

Khi công việc phát triển, GB đã phát triển các hệ thống tín dụng nhỏ khác và phát triển các chương trình cho vay về nhà cửa cũng như hỗ trợ tài chính cho những dự án nhỏ nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu, dệt may... Yunus đã chọn đúng hướng đi vì “ở Bangladesh chẳng có việc làm và điện nhưng các mô hình tín dụng nhỏ lại hoạt động rất hiệu quả”.

Cho đến nay, tổng số người từng vay tiền tại GB là 6,61 triệu người và 97% trong số đó là phụ nữ. Trong tổng số khoảng 290,03 tỉ taka Bangladesh (tương đương khoảng 5,72 tỉ USD) cho vay, GB đã thu hồi được khoảng 258,16 tỉ taka (khoảng 5,07 tỉ USD), đạt tỉ lệ thu hồi nợ ở mức 98,85% - một tỉ lệ rất cao trong ngành ngân hàng. Đặc biệt, những người từng vay từ GB hiện sở hữu 94% cổ phần của ngân hàng và 6% còn lại do sở hữu nhà nước. Mô hình tín dụng giúp đỡ người nghèo của GB đến nay được áp dụng ở 23 nước khác.

Quĩ Grameen, thành lập năm 1997 sau thành công của ngân hàng, đến nay đã có một mạng lưới toàn cầu với khoảng 52 thành viên trên khắp 22 quốc gia và đã giúp được khoảng 11 triệu người ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ và khu vực Trung Đông.

Yunus từng rất nổi tiếng với câu nói của mình rằng sẽ phấn đấu xóa đói nghèo cho “một ngày con cháu chúng ta tới các viện bảo tàng để thấy đói nghèo là thế nào". Và có lẽ đến nay những thành tựu ông từng đạt được đã phần nào hiện thực hóa ước mơ này.

THANH TUẤN

Theo Nobel Org, Reuters, BBC, AP, Tuổi trẻ
  • 575