Oxy hóa - lão hóa mắt

  •  
  • 896

Quá trình lão hóa mắt để lại những tác hại nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, tinh thần của mỗi người.

Do đâu có lão hóa?

(Ảnh: TTO)

Cơ chế của sự lão hóa là phản ứng oxy hóa ở các tế bào, tương tự hiện tượng oxy hóa các vật bằng sắt gây rỉ sét, phản ứng oxy hóa phá hủy các màng tế bào tạo thành các bộ phận trong cơ thể. Quá trình chuyển hóa trong tế bào và tác động của các yếu tố độc hại từ môi trường bên ngoài như hóa chất, khói bụi, môi trường ô nhiễm, tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời, tạo ra các chất có gốc tự do trong tế bào.

Các gốc tự do này có tính phản ứng rất mạnh nên nhanh chóng phá hủy các tổ chức của tế bào thành phần di truyền tế bào (DNA, RNA) và gây ra xáo trộn chức năng sinh lý của tế bào làm tế bào trở nên già cỗi, mất chức năng hoạt động.

Tiến trình lão hóa mắt

Mắt hoạt động theo nguyên tắc như một máy chụp hình, võng mạc mắt như một tấm phim, nhưng khác ở chỗ tất cả các điểm trên phim có độ phân giải như nhau nên nhìn thấy rõ ở mọi điểm, trong khi đó ở võng mạc, hoàng điểm là vùng có độ phân giải cao, nên nhìn thấy rõ nét từng chi tiết, phần võng mạc còn lại có độ phân giải thấp hơn nên cho cái nhìn bao quát, giúp nhận thức các vật xung quanh một cách tổng quát.

Hoàng điểm

Giúp nhìn rõ từng chi tiết. Trong điều kiện bình thường, máu cung cấp các chất dinh dưỡng và hấp thụ lại chất cặn bã do hoàng điểm thải ra. Các chất dinh dưỡng đặc biệt này không được cơ thể tự sản xuất ra, mà phải được đưa vào cơ thể từ bên ngoài.

Khi có hiện tượng lão hóa, lưu lượng máu đến hoàng điểm kém hơn, sự hấp thu các chất dinh dưỡng bị cản trở, nồng độ các chất dinh dưỡng đến hoàng điểm sẽ càng ít đi nếu chế độ ăn uống không đúng cách, và chất cặn bã tích lại nhiều hơn. Hoàng điểm không được nuôi dưỡng đầy đủ, dẫn đến mắt bị mờ và có thể không nhìn thấy ở vùng trung tâm, đó gọi là thoái hóa hoàng điểm, thường xảy ra ở người cao tuổi. Bệnh biểu hiện bằng 3 triệu chứng:

- Mắt mờ, bệnh nhân nghĩ rằng kính đeo không còn phù hợp nữa.

- Có một vùng mờ ở trung tâm, hoặc nhìn không thấy hết các chữ của một từ.

- Hình ảnh bị biến dạng.

Thủy tinh thể

Giữ vai trò một thấu kính hội tụ để đưa ảnh về đúng võng mạc. Thủy tinh thể (nhân mắt) của người lớn tuổi bị xơ cứng, không thể phồng lên để thực hiện chức năng điều tiết khi nhìn gần, nên gọi là hiện tượng lão thị. Theo thời gian, thủy tinh thể không còn trong suốt nữa, trở thành mờ đục gây nên hiện tượng đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm). Hiện tượng này xảy ra ở 50% người lớn tuổi, khi mới bị thì nhìn xa thấy mờ, nhìn gần còn rõ, về sau nhìn gần cũng mờ, giơ bàn tay ra trước mắt cũng chỉ thấy bóng.

Vùng bè giác - củng mạc

Ống Schlemm cũng có thể bị xơ hóa, do đó dễ làm áp lực nội nhãn tăng cao (bệnh tăng nhãn áp, còn gọi là bệnh thiên đầu thống, glôcôm). Khi bị tàng nhãn áp cấp tính, bệnh nhân nhức mắt, nhức đầu dữ dội, mắt đỏ nhìn mờ, nhìn thấy các vòng mầu giống như cầu vồng, đôi khi có nôn mửa. Nếu ở thể mãn tính, mắt không bị đau nhức mà thị lực giảm dần và thị trường bị thu hẹp, đi khám mắt sẽ thấy nhãn áp tăng cao. Bệnh này cần điều trị ngay khi mới bị, vì ở người lớn khi thị trường bị tổn thương do bệnh tăng nhãn áp thì không thể phục hồi được nữa.

Nguyên nhân lão hóa mắt

Theo thời gian, lão hóa mắt là điều tất yếu tuy nhiên quá trình này càng tiến triển nhanh khi có các yếu tố nguy cơ như:

- Thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết do mạch máu đem tới như vitamin A, C, E, các nguyên tố vi lượng như đồng, kẽm.

- Mắt phải làm việc nhiều: Sử dụng máy vi tính, đọc sách báo, xem ti vi...

- Môi trường ô nhiễm do bụi, khói, hóa chất, tiếp xúc với ánh nắng nhiều.

- Chế độ ăn: ít rau xanh, trái cây, cá.

- Hút thuốc lá.

Biện pháp ngăn ngừa

Tiến trình lão hóa nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự quan tâm chăm sóc đúng mức của mỗi người ngay từ khi còn trẻ, bằng các cách sau:

Bảo vệ mắt tránh ánh sáng mặt trời bằng cách đeo kính râm có quét lớp chống tia cực tím, tránh đi ra ngoài đường vào thời điểm nắng nhất trong ngày: từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Chăm sóc mắt đúng cách: Không đọc sách quá gần (ở người lớn khoảng cách từ 30-35cm, trẻ em từ 25-30cm), không đọc sách khi ngồi trên các phương tiện giao thông đang chuyển động. Làm việc trước màn hình vi tính hay chơi game, cứ mỗi 50 phút phải nghỉ độ 5-10 phút.

Không hút thuốc lá, vì hút thuốc lá làm suy yếu hệ tuần hoàn của cơ thể, làm giảm lượng máu đến mắt.

Chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn sẽ giúp cải thiện toàn bộ sức khỏe của cơ thể, giúp hệ thống tuần hoàn lưu thông tốt.

Dùng thuốc có chứa nhiều chất dinh dưỡng cho mắt như thành phần chiết xuất sụn vi cá mập thiên nhiên; các loại nguyên tố vi lượng (đồng, kẽm); các vitamin A, C, E, bêta-carotene. Các chất chiết xuất từ sụn vi cá mập thiên nhiên là những chất có khả năng khử các gốc tự do trong tế bào, do đó ngăn chặn tận gốc các thương tổn do oxy hóa gây ra trên tế bào, ngăn ngừa tiến trình lão hóa của mắt, tránh được các bệnh do lão hóa như: Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thoái hóa hoàng điểm, thoái hóa võng mạc... tránh được nguy cơ giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn.

Cũng lưu ý rằng các dạng thuốc uống được hấp thu vào máu rồi theo máu lưu thông đến nuôi dưỡng phần nhãn cầu có tác dụng tốt hơn các thuốc nhỏ mắt chỉ tiếp xúc với phần kết mạc, giác mạc, bao phủ phía trước nhãn cầu.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
  • 896