Phá rừng tràm ở đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ vỡ tầng sinh thái

  •  
  • 4.606

Hàng loạt rừng tràm ở Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang bị nông dân đốn bỏ, chuyển sang trồng lúa và vài loại cây khác, việc phá rừng tràm đe doạ đến tầng sinh thái ngập nước, tạo khe hở cho mặn xâm nhập...

Khu bảo tồn rừng tràm ngập mặn

Tình trạng rừng tràm ngày càng bị thu hẹp sẽ tác động như thế nào tới môi trường sinh thái? Có thật sự tràm sụt giá là do cung vượt cầu, hay đây chỉ là sự khủng hoảng đầu ra có tích chất thời vụ. Với tình hình cây tràm hiện nay, lại một lần nữa cho thấy vấn đề quy hoạch như thế nào, sự gắn kết giữa sản xuất với thị trường ra sao phải được đặt ra từ những luận cứ khoa học, sát thực tế với tầm nhìn dài hơi cùng các giải pháp đồng bộ...

Riêng Long An, chỉ một năm qua nông dân đã "xoá sổ" khoảng 1.000 héc-ta tràm... Vì sao tràm - từng có thời gian được coi là cây chủ lực ở vùng Đồng Tháp Mười, cùng với cây lúa - lại đang đứng trước nguy cơ diện tích ngày càng bị thu hẹp (!?).

Quay lại trồng lúa

Bà Phạm Thị Mầu - ở xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), đang có 1,5 héc-ta tràm đã 3 năm tuổi - nhưng vẫn quyết định đốn để trồng lúa. Bà nói: "Đốn tràm bây giờ kêu con cháu lại cho mang về làm củi, lỗ trên chục triệu chứ không ít". Tại xã Trường Xuân, mấy ngày qua đã có gần chục héc-ta tràm bị đốn để chuẩn bị sạ lúa vụ đông xuân sắp tới.

Theo Chủ tịch xã Trường Xuân Ngô Văn Nghĩa: Khu vực này sẽ quy hoạch cải tạo hệ thống thuỷ lợi nội đồng, đê bao khép kín để chuyển toàn bộ diện tích trồng tràm thành vùng sản xuất lúa vụ 3. Là vùng chuyên canh khóm (dứa), nông dân ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) không quay lại trồng lúa, nhưng cũng đốn tràm để trồng khóm.

Tại Long An - địa phương có diện tích rừng tràm lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long - tình hình nông dân đốn tràm còn diễn ra ồ ạt hơn. Theo lời anh Võ Quan Huy - chủ trang trại 100 héc-ta tràm - thì tự phá bỏ tràm vừa tốn công, vừa tốn chi phí, nên với diện tích tràm 1 - 2 năm tuổi bị cháy, nhiều chủ trồng tràm bỏ luôn. Chỉ 5 năm trở lại đây, diện tích rừng tràm ở Long An liên tục giảm: Từ 90.000 héc-ta (năm 2000) hiện chỉ còn khoảng 68.000 héc-ta. 

Chặt, vì tràm sụt giá

Vùng Đồng Tháp Mười từng có nhiều nông dân giàu lên từ cây tràm. Ông Nguyễn Văn Trường - ở xã Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng, Long An) - nhờ 5 héc-ta tràm mà xây được căn nhà trị giá gần 500 triệu đồng. Rất nhiều hộ dân vùng Đồng Tháp Mười nuôi con ăn học, có vốn làm ăn, cất nhà từ việc trồng tràm.

Nhưng nay, ông Trần Bửu Xê - ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), vừa đốn 1héc-ta tràm - cho biết: "Cây tràm loại 1 trước bán 15.000 đồng, nay giá chỉ còn một nửa. Trồng tràm phải 6 năm mới thu hoạch, còn đất này trồng lúa một năm có thể làm 3 vụ. Trồng lúa có lợi hơn". Còn theo ông Tư Hai - ở huyện Tân Phước (Tiền Giang): Chưa bao giờ cây tràm sụt giá như hiện nay. Từ 70 tới gần 100 triệu đồng/héc-ta, nay giảm hơn một nửa. Trồng khóm lợi nhuận cao hơn.

Thạc sĩ Lê Phát Quới (Trưởng phòng Khoa học, Sở Khoa học - Công nghệ Long An) nhận định: Nhiều vạt tràm 4 - 5 tuổi nông dân đốn sạch, chất đống. Có ý kiến cho rằng, nông dân Long An nên kết hợp các mô hình nuôi cá trong rừng tràm để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, với độ phèn rất cao, người trồng tràm ở Long An khó có thể nuôi cá, vì cá sẽ bị nổ mắt chết ngay.

Ở Tiền Giang, theo quy hoạch diện tích trồng rừng khoảng 13.200 héc-ta (năm 2006) với cây tràm là chủ lực. Thế nhưng, với tình hình đốn tràm như hiện nay, việc giữ diện tích gần 9.000 héc-ta tràm hiện có đã là bài toán gay go.

Phần lớn diện tích tràm bị đốn vừa qua trước đây đều là đất trồng lúa. Đã có ý kiến cho rằng: Sau một thời gian trồng tràm, quay trở lại trồng lúa thì hiệu quả sẽ cao vì đất tích đã tụ được dinh dưỡng. Trước bài toán cung - cầu của thị trường, không thể bắt người trồng tràm giữ lại tràm, đừng quay lại trồng lúa.

Đừng vội đốn bỏ!

Khoảng từ 4 - 7 năm nữa, nhu cầu gỗ trên thị trường thế giới sẽ lên đến cực điểm. Hiện tại, Trung Quốc đã tạm ngừng việc xuất khẩu gỗ để đảm bảo nhu cầu nội địa. Ngay khi chúng tôi đưa ra một số thông tin về diện tích tràm ở Đồng bằng sông Cửu Long, lập tức 2 Công ty Đài Loan đã ngỏ ý tìm hiểu thu mua.

Từ tháng 3 đến tháng 9.2005, tôi và một số chuyên gia Nhật đã tiến hành khảo sát vùng nguyên liệu tràm ở Đồng bằng sông Cửu Long và tại nhiều doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, giấy... Kết quả cho thấy: 90% số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh phải nhập gỗ; hàng loạt nhà máy bột giấy thiếu nguyên liệu...

Tiếp đó, khoảng 2 tấn tràm với nhiều độ tuổi khác nhau trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long được gửi sang Nhật. Đây là những hoạt động trong khuôn khổ thử nghiệm hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ và Tổ chức Liên kết quốc tế Nhật Bản.

Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ cho phép tiến hành xây dựng dự án khả thi nhà máy chế biến gỗ tràm, công suất đủ tiêu thụ nguyên liệu từ 40.000 héc-ta tràm/năm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu được chấp thuận, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí (khoảng 138 triệu đô la Mỹ).

Đó là những lý do tôi khuyên nông dân nên giữ tràm.

Tiến sĩ Dương Văn Ni (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hoà An, Trường Đại học Cần Thơ)

Làm gì để giữ rừng?

Chuyện nông dân đang đốn bỏ cây tràm khiến nhiều người quan tâm. Bởi trồng tràm không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế, mà còn đóng góp rất lớn vào vấn đề môi trường, cảnh quan. Đang có chuyện tràm cừ sụt giá, nhưng chưa hẳn nghĩa là cung vượt cầu. Chưa có một nghiên cứu nào về thị trường tràm thì làm sao kết luận được?

Trước mắt, giá tràm có tụt, nhưng nếu so với chuyện bấp bênh của những nông sản khác chưa hẳn cây tràm lao đao hơn. Do vậy, trong thời điểm khó khăn này, ngành nông - lâm nghiệp các địa phương có diện tích trồng tràm cần tăng cường giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác và giúp nông dân trồng xen, nuôi xen để tăng hiệu quả trên cùng diện tích.

Điều khá bất công là: Nuôi tôm đã và đang gây ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều nơi lại được cho vay vốn ưu đãi, trong khi trồng tràm tạo môi sinh tốt lại không được hỗ trợ vốn nhiều...

Tiến sĩ Mai Văn Nam (Trưởng khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Cần Thơ)

Tác hại rất lớn tới môi trường

Không thể can thiệp bằng biện pháp hành chính đối với việc nông dân đốn bỏ cây tràm. Giá tràm cừ thời gian qua liên tục giảm, từ 80 triệu đồng/héc-ta giảm còn 30 triệu đồng. Trồng tràm phải 5 năm sau mới sinh lợi, suốt thời gian đó nông dân trồng tràm sống bằng gì? Đã vậy, nếu bị cháy thì mất trắng. Trong khi trồng lúa hiện bình quân lãi đạt 10 triệu đồng/héc-ta/năm.

Thế nhưng, đáng lưu ý là hiện nay độ che phủ rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 10%, còn thấp so với yêu cầu (30%). Mất rừng, trong đó có cây tràm, gây tác hại rất lớn tới môi trường như không giữ được nước ngọt, mặn xâm nhập... Quy hoạch "lá phổi" cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết. Vì vậy phải tính tới chuyện giữ diện tích tràm. Muốn vậy phải có chính sách cụ thể đối với người trồng tràm...

Tiến sĩ Mai Thành Phụng (trung tâm Khuyến nông quốc gia chi nhánh phía nam)

Theo Thiên Nhiên Việt Nam
  • 4.606