Phân biệt các dạng sản phẩm nước uống

  •  
  • 1.928

KHÁNH NAM (ghi)

Hàng ngày cơ thể con người cần bổ sung ít nhất 1,5 lít nước qua đường ăn uống. Để bảo vệ sức khỏe, nguồn nước uống phải đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Hồng Hải, Thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Cần Thơ về việc phân biệt các loại nước uống và cách chọn nước uống.

Nước bao gồm các dạng sau:

- Nước máy: Là hệ thống nước đã qua khâu xử lý lắng, lọc, tiệt trùng. Ở một số nước tiên tiến, do hệ thống xử lý nguồn nước hiện đại, nên nguồn nước này có thể được uống ngay tại vòi mà không lo ngại về mối nguy cơ nào. Tuy nhiên, tại phần lớn các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nước máy chỉ đạt tiêu chuẩn sạch để dùng trong sinh hoạt như: tắm, giặt, chế biến thực phẩm... nên không thể uống trực tiếp.

- Nước khoáng (Mineral water): Đây là loại nước mà trên thị trường gọi là nước suối. Loại nước này được phân biệt với các loại nước uống thông thường khác bởi: có hàm lượng một số muối khoáng nhất định với tỷ lệ tương quan của chúng và sự có mặt các nguyên tố vi lượng hoặc các thành phần khác được khai thác trực tiếp từ các nguồn nước suối thiên nhiên hoặc từ các mạch nước ngầm. Nước khoáng tồn tại 2 dạng:

(Ảnh: Yoursdaily)

+ Nước khoáng thiên nhiên có ga tự nhiên: là nước khoáng thiên nhiên sau khi đóng chai vẫn chứa hàm lượng khí carbonic (CO2) tại nguồn nước.

+ Nước khoáng thiên nhiên không ga: là nước khoáng thiên nhiên sau khi đóng chai không chứa khí CO2 tự do vượt quá hàm lượng cần thiết để giữ các muối carbonate hòa tan trong nước.- Nước tinh khiết (Purifying water): Là loại nước được tinh lọc qua quá trình lọc, khử trùng, vô chai. Tùy theo nguồn nước thô cung cấp (nước máy, nước giếng) người ta sẽ có phương pháp xử lý riêng. Ví dụ, nguồn nước giếng do có thể hiện diện hàm lượng chất hữu cơ, chất vô cơ, đặc biệt là sắt, mangan, nitrate, các kim loại nặng như: arsen, chì... nên người ta phải khử chế bằng cách làm mềm nước (đối với nước cứng), oxy hóa khử, trước khi đi vào công đoạn lắng, lọc và tiệt trùng tiếp theo. Nếu nguồn nước là nước máy thì khâu lọc thô đỡ phức tạp và ít tốn kém.

Tuy nhiên, để đóng chai phân phối cho người tiêu dùng, thì nguồn nước này phải qua công đoạn lọc thô, trao đổi ion, lọc bằng than hoạt tính (có tác dụng khử mùi), lọc tinh (bằng phương pháp thẩm thấu ngược), khử trùng qua hệ thống ozone và tia cực tím... rồi mới đóng chai.

* Nước khoáng và nước tinh khiết hiện nay được bán song song trên thị trường với giá không chênh lệch nhiều. Chất lượng 2 loại nước này khác nhau như thế nào?

- Về nguyên tắc cả hai loại nước này đều sạch và tương đối tiệt trùng (trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm không đạt chuẩn về khử trùng), nhưng sự khác nhau là ở thành phần hóa học. Nước khoáng có chứa hàm lượng nhất định về hợp chất khoáng hòa tan có lợi cho sức khỏe như: Calci, magne, phosphore, kẽm, selen, coban, mangan, natri... Trong khi đó, loại nước tinh khiết (gọi chính xác là nước lọc), rất “nghèo” các chất khoáng vi lượng. Về mặt cảm quan khi uống nước khoáng có vị “ngon” hơn (do hợp chất muối khoáng) và mát dịu (do hàm lượng khí CO2 ). Nước khoáng có giá trị bồi bổ sức khỏe, nhất là đối tượng trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người chơi thể thao... Đặc biệt, phụ nữ sử dụng nước khoáng còn giúp làn da khỏe mạnh.

Tuy nhiên, cần lưu ý với đối tượng bị suy thận, cao huyết áp, hội chứng thần kinh nên hạn chế dùng nước khoáng. Các công trình nghiên cứu đưa ra cảnh báo rằng việc dùng nước tinh khiết thường xuyên (nghĩa là đã khử các thành phần khoáng vi lượng) sẽ không tốt cho sức khỏe, đó là chưa kể mua nhằm nước tinh khiết giả.

* Còn nước qua các loại bình lọc?

- Trên thị trường cũng có nhiều loại bình lọc như: cột lọc, màng lọc. Nói chung nguồn nước này đảm bảo về tính chất lý hóa (khử mùi, không vị, không còn độc chất, chất cặn tổng cộng). Tuy nhiên khả năng loại bỏ vi sinh vật (vi khuẩn và vi-rút) chỉ đạt mức tương đối từ 90-98%, tùy theo kích thước màng lọc và hiệu quả tiệt trùng. Có một số loại bình lọc không có khả năng lọc virút (trong khi nước đun sôi trong 15 phút sẽ diệt 100% lượng vi khuẩn và vi-rút). Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, khi màng lọc và cột lọc đã bị hỏng, hoặc bị trơ do màng sinh học đã bị vô hiệu hóa, thì hiệu quả lọc sẽ giảm đáng kể... Vì vậy, khi mua bình lọc, cần kiểm tra kỹ về cấu tạo và tính năng vận hành, cũng như điều kiện bảo quản của bình lọc...

Theo Báo Cần Thơ
  • 1.928