Phần lớn chúng ta ra quyết định dựa trên kinh nghiệm

  •  
  • 761

Đèn giao thông phía trước đang chuyển sang màu vàng. Bạn sẽ nhấn ga, phóng nhanh qua ngã tư vì tin rằng những người khác sẽ đợi cho tới khi đèn xanh, hay giảm ga và dừng lại?

Theo một nghiên cứu của Đại học Tel Aviv (Israel), việc người lái xe vượt đèn hay dừng lại phụ thuộc phần lớn vào những trải nghiệm cá nhân, chứ không phải tính cách, của người đó.

Giáo sư Arnon Lotem, một chuyên gia về sự tiến hóa hành vi thuộc khoa Động vật học của Đại học Tel Aviv, khẳng định rằng trong quá trình tiến hóa, con người ra quyết định theo cách thức tương tự nhiều loài động vật. Chúng ta có xu hướng sử dụng những tình huống mà chúng ta đã trải qua để đánh giá một tình huống cụ thể. Cách thức đó khiến con người luôn ở trong thế bị động khi đối phó với những mối nguy mà chúng ta đối mặt hàng ngày trong xã hội hiện đại – như băng qua đường, chấp nhận đầu tư mạo hiểm hay lái xe trên đường cao tốc.

"Sợ rắn là một phần trong bản năng của con người, nhưng rất ít người trong chúng ta sợ đèn giao thông", Lotem lấy dẫn chứng.

Theo Lotem, mọi người ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn khi lái xe qua một ngã tư, nhưng nếu chưa từng bị tai nạn giao thông, phần lớn chúng ta nghĩ rằng mức độ rủi ro là không cao lắm.

“Đó là vì trong phần lớn trường hợp vượt đèn đỏ, người lái xe không gặp vấn đề gì, mặc dù mọi người đều biết một phép tính đơn giản: bạn có thể tiết kiệm được một phút nhờ vượt đi trước người khác, nhưng có thể mất sạch mọi thứ, kể cả mạng sống”, Lotem giải thích.

Lotem và các cộng sự cũng nhận thấy con người hiếm khi phân tích thấu đáo tình huống dựa trên những suy luận khoa học và các con số thống kê.

Lotem cho rằng các nhà kinh tế, chính trị gia và chuyên gia tâm lý có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu của ông và cộng sự. Việc hiểu cặn kẽ quá trình ra quyết định của loài người có thể tác động tới các hoạt động xã hội, nền kinh tế và thậm chí cả số vụ tai nạn giao thông trên hành tinh.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh doanh, nếu ông chủ đưa ra những nhận xét và phần thưởng cho nhân viên một cách rõ ràng, có thể họ sẽ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Ở tầm vĩ mộ, chính phủ cũng có thể áp dụng nguyên lý này để khuyến khích người dân tiến hành các hoạt động kinh doanh.

Theo Việt Linh - VnExpress (Physorg.com)
  • 761