Pháp - Nhật và giấc mơ siêu Concord

  •  
  • 730

Sau tai nạn của máy bay Concord tại Paris hồi năm 2000, ngưòi Pháp cùng với người Nhật đã tiến hành đề án nghiên cứu chế tạo một loại máy bay "siêu Concord" với tốc độ lên tới Mach 5 (tương đương 1.701,45m/giây), có thể chở khoảng 300 khách.

Tháng 10/2003, ba năm sau tai nạn hàng không thảm khốc tại Paris, máy bay Concord đã chính thức "về hưu". Tuy nhiên, người Pháp vẫn nung nấu biến thành hiện thực giấc mơ phát triển loại phương tiện hàng không dân dụng "siêu thanh, siêu đắt" này thành phổ biến và rủ người Nhật cùng tham gia: Mùa hè năm 2005, Tập đoàn hàng không vũ trụ Pháp (GIFAS) và SJAC của Nhật đã ký thỏa thuận

Máy bay Concord cũ đã ngừng bay sau một tai nạn thảm khốc
Máy bay Concord cũ đã ngừng bay sau một tai nạn thảm khốc (Ảnh: aeronautics)
nghiên cứu sản xuất một loại "siêu Concord" mới với chi phí cho nghiên cứu khoảng 5,4 triệu USD trong 3 năm 2005 - 2008 và hy vọng sẽ xuất xưởng loại phương tiện vận chuyển hành khách siêu tốc này vào năm 2015.

Theo lối xe đổ?

"Số tiền 1,8 triệu USD mỗi năm chỉ đủ cho in quảng cáo mà thôi", đó là nhận xét từ một số nhà sản xuất máy bay thế giới với dự án của Pháp - Nhật. Điều này cũng không phải là không có lý khi Airbus đã chi tới 12 tỉ USD để phục vụ cho việc nghiên cứu, chế tạo máy bay A380 khổng lồ. Chuyên gia hàng không Markus Franke của hãng Booz Allen Hamilton cho rằng, trình độ công nghệ hàng không hiện nay chưa cho phép người ta chế tạo được loại máy bay dân dụng có tốc độ Mach 5 và nếu có thì sẽ rất "không kinh tế" khi đưa máy bay siêu thanh trở thành phương tiện vận chuyển hành khách dân dụng vì khi tốc độ các loại máy bay vượt qua được "hàng rào âm thanh", lượng nhiên liệu tiêu thụ sẽ trở nên khủng khiếp.

Việc sử dụng Concord xưa kia để vận chuyển hành khách đã phải đi vào quá khứ cũng chính vì lý do trên: chỉ có một số rất ít các "đại gia", chính khách, ngôi sao màn bạc là có đủ "can đảm" để cưỡi lên chiếc máy bay có tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh này vì giá vé "chỉ có" 10.000 USD cho tuyến London - New York và mỗi chuyến bay cũng chỉ chứa được khoảng 100 khách mà thôi. Bên cạnh vấn đề nhiên liệu, các loại máy bay siêu thanh cũng còn đòi hỏi đến việc bảo dưỡng, việc huấn luyện đội ngũ nhân sự, các chi phí an toàn khác... nhiều hơn bất kỳ loại máy bay thông thường nào. Do vậy, loại siêu Concord mới có tốc độ đến Mach 5, với tình hình giá cả dầu mỏ như hiện nay và tương lai, chắc chắn tiền vé càng không thể rẻ hơn loại Concord ngày trước.

Bài toán kinh tế

Đứng trước sức ép về giá nhiên liệu cùng với những chi phí ngày một tốn kém, đặc biệt là chi phí cho an ninh, các hãng hàng không lớn trên thế giới tỏ ra không còn "mặn mà" với các đề án sản xuất những máy bay khổng lồ, siêu tốc: Hãng Boeing từng có dự án sản xuất máy bay vận tải lớn với tốc độ cao có tên Sonic Cruiser. Tuy nhiên, đến tháng 11/2002, dự án này đã bị dừng lại vì các ông trùm Boeing thấy chưa có thị trường tiềm năng và tính hiệu quả kinh tế không cao. Airbus cũng tuyên bố "không có dự án cho máy bay dân dụng siêu thanh". Riêng đại diện của Hãng hàng không Lufthansa là M.Lamerti thì tỏ thái độ rất "nước đôi" khi nói rằng họ cũng có chút ít quan tâm đến máy bay siêu thanh trong tương lai nhưng đồng thời cũng nói một cách rất thực tế rằng "quả là rất không đáng khi phải bỏ ra một đống tiền chỉ để tiết kiệm được vài giờ đồng hồ".

Người Nhật thì vẫn tỏ ra lạc quan khi nói rằng họ đã có loại động cơ máy bay có thể đạt tốc độ Mach 5 và giá vé sẽ rẻ vì số lượng hành khách trên mỗi chuyến bay gấp 3 lần so với Concorde trước đây. Cách đây gần 1 năm, Nhật Bản đã thử nghiệm khí động học đối với mô hình máy bay Concord cho tương lai. Cuộc thử nghiệm được tiến hành tại Úc và "thu được kết quả đầy hứa hẹn".

Theo Spiegel, Thanh niên
  • 730