Phát hiện cổ vật lạ tại Thánh địa Mỹ Sơn

  •  
  • 2.430

Khai quật tại khu vực tường bao quanh khu tháp E7 của quần thể tháp Chăm tại Thánh địa Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật lạ lần đầu tiên tìm thấy tại khu đền tháp này…

>>> Dấu tích tháp Chăm cổ lớn nhất được phát hiện

Sáng hôm (7/9) Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn cho biết nhiều hiện vật lạ và bất ngờ được tìm thấy sau khi tổ chức khai quật tại khu đền tháp Mỹ Sơn. Tiêu biểu nhất là đầu ngói chạm hình mặt Kala - hình mặt thần thời gian lần đầu tiên tìm thấy tại khu đền tháp Mỹ Sơn nói riêng và các tháp Chăm trên địa bàn nói chung.

Khu đền tháp còn nguyên vẹn tại khu đền tháp Mỹ Sơn.
Khu đền tháp còn nguyên vẹn tại khu đền tháp Mỹ Sơn.

Theo các nhà khảo cổ, trong quá trình đào thám sát và tổ chức khai quật từ tháng 11/2011 đến nay tại khu vực tường bao phía đông tháp E7, các nhà khảo cổ đã ghi nhận, đo vẽ cẩn thận, tỉ mỉ 5 tầng văn hóa mỏng nằm chồng lớp lên nhau có độ sâu hơn 1m tính từ nền đất gốc.

Qua khai quật một cách khoa học và hết sức cẩn thận, các nhà khảo cổ đã phát hiện tại lớp thứ 4 của hố khai quật 10 trang trí đầu ngói bằng có đường kính khoảng 12cm.

Sau khi làm sạch bề mặt, 10 viên đầu ngói đã lộ hình ảnh hoa văn lạ chạm khắc trên bề mặt viên ngói. Qua xác định của các nhà khảo cổ học, hình khắc chạm trên bề mặt viên ngói là hình mặt thần thời gian Kala.

Viên ngói vừa phát hiện có hình mặt thần thời gian Kala được cho lần đầu tiên phát hiện tại Mỹ Sơn.
Viên ngói vừa phát hiện có hình mặt thần thời gian Kala được
cho lần đầu tiên phát hiện tại Mỹ Sơn. (Ảnh: Nguyễn Thượng Hỷ)

Các nhà khảo cổ học đang khai quật tại đây khẳng định, đây là điều hết sức mới lạ được phát hiện sau hơn 20 năm tổ chức khai quật và trùng tu tại khu đền tháp lớn nhất nước đã được công nhận là Di sản Thế giới này.

Hiện các nhà khảo cổ đang tiếp tục tổ chức khai quật thêm hiện vật để nghiên cứu nhằm tìm kiếm một phương pháp hữu hiệu và khoa học cho việc tiến hành trùng tu cho nhóm tháp này.

Việc khai quật và trùng tu tôn tạo khu đền tháp Mỹ Sơn diễn ra hơn 20 năm nay và các nhà khoa học rất thận trọng trong quá trình xử lý hiện vật, tìm kiếm tư liệu lịch sử cùng như chất liệu để trùng tu. Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ học đến từ nhiều nước trên thế giới và Việt Nam, những phát hiện mới phát hiện cho thấy quần thể kiến trúc tháp Chăm tại Thánh địa Mỹ Sơn cần được nghiên cứu kỹ hơn và thận trọng hơn mới có thể tìm ra phương pháp trùng tu hữu hiệu.

Theo Vietnamnet
  • 2.430