Phát hiện hóa thạch khủng long 67 triệu năm tuổi

  •  
  • 2.188

Một học sinh trung học bang North Dakota đã phát hiện một bộ xương hóa thạch khủng long 67 triệu năm tuổi được cho là còn nguyên vẹn nhất hiện nay. Những mẩu hóa thạch bao gồm da và gân đã giúp cho các nhà khoa học mô phỏng lại hệ cơ bắp của sinh vật trên, một việc trước đây vô cùng khó khăn.

Đội khảo cổ do nhà cổ sinh vật học Phil Manning thuộc đại học Manchester của Anh chỉ huy đã tiến hành khai quật con khủng long này vào năm 2006 nhưng khám phá trên chỉ mới được Cộng đồng Địa lý Quốc gia, đơn vị tài trợ chính cho công tác khai quật, cho công bố gần đây.

Xác khủng long được phát hiện thuộc loài khủng long Hadrosaur, một loài khủng long hai chân có hộp sọ hình mỏ vịt. Theo Matthew Carrano, chuyên nghiên cứu về khủng long tại Viện Nghiên cứu Smithsonian, những xác ướp khủng long tương tự như trường hợp này là vô cùng ít và rất hiếm trường hợp thành công trong việc xây dựng hình ảnh 3 chiều toàn bộ cơ thể.

Loài khủng long Hadrosaurs dài khoảng 7 – 9 mét, với phần hông cao nhất trên cơ thể, đạt từ 1,8 – 2,4 mét. Chúng sống cùng thời với loài T. Rex trước khi loài khủng long bị diệt vong.

Hóa thạch của loài khủng long này khá phổ biến nhưng xác của chúng lại là trường hợp đặc biệt vì nó chết và bị chôn vùi nhanh chóng trong lòng một con sông chứa nhiều khoáng chất. Phần xác hóa thạch gần như nguyên vẹn, hoàn chỉnh đến mức các nhà khoa học có thể phán đoán được số lượng các cơ ở phần đuôi; giúp cho các nhà khoa học dựng lại cấu trúc cơ thể nó bằng hình ảnh 3 chiều.

Lớp da hóa thạch của loài khủng long Hadrosaurs

Lớp da hóa thạch của loài khủng long Hadrosaurs (Ảnh: National Graphic)

Năm 1999, cậu học sinh trung học 17 tuổi Tyler Lyson đã phát hiện ra hóa thạch này trong một lần săn tìm hóa thạch gần nhà ở Marmarth, bang North Dakota. Khi tìm thấy 3 đốt xương đuôi trong vách đá, Tyler cho rằng đó là phần duy nhất còn lại của hóa thạch vì phần thân đã bị cuốn đi mất từ lâu. Tyler theo học ngành cổ sinh vật học ở đại học và khi quay trở lại cùng với một đội khảo cổ, anh mới phát hiện ra đoạn đuôi này bị trượt ra khỏi đá, còn hóa thạch xác khủng long vẫn còn nguyên vẹn và nằm sâu trong khối đá.

Đội khảo cổ phải đào một con đường để di dời khối đá nặng hơn 3 tấn chứa hóa thạch. Khối đá này sau đó được di chuyển đến một phòng thí nghiệm của NASA nằm trong Công viên Canoga, bang California. Các nhà khoa học sử dụng máy chụp cắt lớp để tạo ra những hình ảnh 3 chiều bên trong hóa thạch. Đây là một phương pháp phổ biến trong cổ sinh vật học, tuy ít khi được áp dụng cho hóa thạch ở kích cỡ này.

Công tác xây dựng dữ liệu vẫn đang được tiến hành nhưng những thông tin mới về loài sinh vật này đang dần dần được tiết lộ.

Phần hông sau của loài Hadrosaur dường như to hơn phán đoán của các nhà khoa học đến 25%, giúp cho loài này có thể chạy với vận tốc 43 km/ giờ, nhanh hơn loài T. rex khoảng 16 km/ giờ. Phần da hóa thạch cho thấy vằn trên cơ thể loài Hadrosaur có thể là để ngụy trang.

Hình ảnh 3 chiều của hóa thạch khủng long thuộc loài Hadrosaur, sống cách đây 67 triệu năm.

Hình ảnh 3 chiều của hóa thạch khủng long thuộc loài Hadrosaur, sống cách đây 67 triệu năm. (Ảnh: National Graphic)

Tuệ Minh(Theo USA Today)
  • 2.188