Phát hiện một cách khâm liệm độc đáo ở Tuyên Quang

  •  
  • 1.054

Khi tiến hành khai quật bộ xương người tại Hang Phia Vài, thuộc địa phận thôn Cốc Ngận, xã Xuân Tân, huyện Na Hang, Tuyên Quang, GS Nguyễn Lân Cường đã phát hiện một cách khâm liệm độc đáo: đặt ốc biển vào hốc mắt. Theo giáo sư Nguyễn Lân Cường, cách khâm liệm này lần đầu tiên phát hiện thấy ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Tháng 11/2003, trong khi thực hiện “Dự án khảo sát những di tích lịch sử văn hóa thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang”, các cán bộ khoa học đã phát hiện ra một địa điểm khảo cổ học quan trọng – Hang Phia Vài, thuộc địa phận thôn Cốc Ngận, xã Xuân Tân, huyện Nà Hang, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 150 km về phía bắc.

Lần đầu tiên phát hiện một cách khâm liệm độc đáo: Đặt ốc biển vào hốc mắt.

Lần đầu tiên phát hiện một cách khâm liệm độc đáo: Đặt ốc biển vào hốc mắt.

Đầu năm 2005, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tuyên Quang đã tiến hành khai quật hang này. Đây là một hang đá rất đẹp, có cửa hang nhìn ra dòng suối Cốc Ngận – nơi có nhiều đá cuội mà cư dân tiền sử sống trong hang đã sử dụng để chế tác công cụ. Mặt hang cao hơn mặt suối khoảng 15m, cửa hang nhìn về phía chính tây.

Theo TS Trình Năng Chung và TS Nguyễn Gia Đối, địa điểm Phia Vài có dạng vừa hang, các hốc đá ở phía bắc và có dạng vừa là mái đá ở phía nam. Cửa hang rộng 35m, sâu 11m và trần hang cao 4m. Tiếc rằng, các tảng đá vôi lớn đã bị sập xuống từ trần hang, làm mất đi một diện tích khá lớn không thể khai quật được.

Các nhà khảo cổ đã đào 2 hố khai quật với tổng diện tích là 40m2 và đã phát hiện được hàng trăm hiện vật mà chủ yếu là các công cụ ghè, đẽo thô sơ kiểu chopper và các mảnh tước, mảnh tách... Những công cụ này, được làm từ đá cuội với các chất liệu phổ biến như basalt, liolith và quartz.

Đặc biệt trong cuộc khai quật hang Phia Vài đã phát hiện được 2 di tích mộ táng và một di tích bếp lửa. Căn cứ vào đồ tùy táng, những người khai quật cho rằng: ngôi mộ thứ nhất thuộc thời đại kim khí, cách nay khoảng trên dưới 3.000 năm. Ngôi mộ thứ hai đầu hướng đông bắc, chân hướng tây nam, có công cụ đá chôn theo - thuộc thời đại đá với niên đại cách nay khoảng trên dưới 10.000 năm.

Thấy rõ tầm quan trọng của phát hiện trên, Giám đốc Bảo tàng Tuyên Quang Quan Văn Dũng đã quyết định để họa sĩ Nguyễn Đình Hiển bó thạch cao ngôi mộ thứ hai và bếp lửa chuyển về Bảo tàng phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày.

Ngày 6/5/2006, chúng tôi đã tiến hành cưa bỏ phần quách thạch cao ở phía trên để lấy mẫu đất nhằm bảo quản lâu dài ngôi mộ. Trong suốt 2 tuần lễ, tôi và các đồng nghiệp ở Bảo tàng Tuyên Quang đã làm lộ dần hình hài bộ xương bán hóa thạch vô giá này. Người chết nằm ngửa, 2 tay duỗi thẳng. Mặc dù xương ống chân hầu như không còn, nhưng dựa vào vị trí của xương sên và xương gót chân trái, nằm sát bên chậu hông mà chúng tôi kết luận rằng, người quá cố được chôn theo tư thế nằm bó gối - một tư thế mai táng quen thuộc của cư dân văn hóa Hòa Bình, Đa Bút, Quỳnh Văn... Xương đai vai, bả vai, xương sườn, một số đốt ngón tay... vẫn còn bảo quản tốt.

Dựa vào độ mòn của răng, độ gắn liền của đường khớp sọ, cấu tạo của khuyết ngồi lớn, góc của xương cánh chậu, xương hàm dưới,... chúng tôi kết luận rằng đây là di cốt của một người đàn bà, khoảng từ 45 đến 50 tuổi. Vì xương cánh tay trái còn tương đối nguyên vẹn, nên tính được chiều cao của cá thể này là 1,56 m. Đặc biệt hộp sọ gối lên một thềm đá và độ hóa thạch khá cao. Ở hàm trên răng cối nhỏ, cối lớn và răng nanh còn tương đối nguyên vẹn, chỉ thiếu toàn bộ răng cửa. Ở hàm dưới không những thiếu toàn bộ răng cửa, mà còn cả 2 răng nanh, toàn bộ răng cối nhỏ bên trái và răng cối nhỏ thứ nhất bên phải. Phải chăng, người ta đã nhổ đi những chiếc răng cửa như phong tục sau này của cư dân thời đại kim khí thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở Mán Bạc, Xóm Rền, Đồng Đậu mà chúng tôi đã phát hiện và công bố.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường (trái) và giám đốc Quan Văn Dũng (phải) đang xử lý bộ xương người cổ ở Phia Vài.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường (trái) và giám đốc Quan Văn Dũng (phải) đang xử lý bộ xương người cổ ở Phia Vài.

Những người khai quật hang Phia Vài đã sàng lọc rất kỹ phần đất khai quật, nên khả năng tất cả răng cửa bị mất khó xảy ra. Nếu đúng như vậy thì tục nhổ răng cửa đã manh nha từ thời đại đồ đá ở Việt Nam, mặc dù táng tục này không phổ biến như người cổ của thời đại đá mới ở Trung Quốc. Giả thiết khoa học này cần tiếp tục nghiên cứu.

Hộp sọ còn khá nguyên vẹn, nhưng bị nén ép, nên bẹp ở phần xương đỉnh và chẩm bên phải làm cho 2 mỏm chũm và cung gò má bị lệch, không còn đúng với vị trí ban đầu. Khi tôi dùng chiếc kim nhỏ làm lộ dần 2 con ốc nằm gọn trong hốc mắt của người đàn bà này. Đây là loại ốc biển có tên khoa học là Cypraea arabica. Con ốc nằm ngửa trong hốc mắt trái dài: 27,23mm, rộng: 16mm. Con ốc trong hốc mắt phải dài: 21,61mm, rộng: 13,13mm nằm hơi chúi đầu xuống phía dưới. Tôi hơi nheo mắt lại, nhìn vào hốc mắt của người đàn bà Phia Vài, thật lạ, như thấy “bà đang nheo mắt nhìn tôi...”.

Thời người phụ nữ này còn sống, người ta dùng loại ốc biển này để trao đổi hàng hóa, giống như tiền tệ ngày nay. Trong lúc mai táng, người ta đã đặt lên mỗi mắt một con ốc, để khi phần da thịt tiêu đi, con ốc sẽ tụt xuống hốc mắt như thay cho con ngươi.

Dựa vào vị trí của xương tay, xương sườn và chậu hông, chúng tôi cho rằng đây là di cốt chôn nguyên dạng, không phải là bộ xương đã được cải táng. Nhìn lại những sọ cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình mà tôi đã nghiên cứu như Mái đá Điều, Mái đá Nước (Thanh Hóa), Động Can, Hang Chim, Hang Muối (Hòa Bình) và Mái đá Ngườm (Thái Nguyên), chưa bao giờ tôi gặp trường hợp này. Những sọ cổ có niên đại tương tự phát hiện được ở Đông Nam Á cũng không thấy cách khâm liệm đặt ốc vào hốc mắt.

Để cho chắc chắn, tôi gọi điện thoại về Hà Nội cho TS Ngô Thế Phong – nhà khảo cổ học lỗi lạc về Đông Nam Á, rất mừng khi anh có cùng nhận định với tôi.

Hình thức mai táng này được lặp lại ở thời đại kim khí, khi tôi nghiên cứu một chiếc sọ cổ của một người đàn ông khoảng 50 đến 55 tuổi tìm thấy ở Nga Văn, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) vào tháng 4/2000. Chỉ khác là, sọ và một đoạn xương cánh tay, 1 cán giáo đồng được cải táng trong một chiếc trống đồng cổ loại một. Người cổ Nga Sơn cũng đặt vào 2 hốc mắt, nhưng không phải là ốc mà là 2 đồng tiền Ngũ Thù.

Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu di cốt Phia Vài, để sắp tới sẽ có những kết luận về loại hình nhân chủng của người đàn bà này.

Theo Công an nhân dân
  • 1.054