Phát hiện nguồn gốc quái vật Tully 300 triệu năm trước

  •  
  • 6.439

Hơn 50 năm sau khi phát hiện hóa thạch quái vật Tully nổi tiếng, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra nguồn gốc của sinh vật tiền sử kỳ lạ sống cách đây 300 triệu năm.

Theo Internationl Business Times, sau khi phân loại nhầm quái vật Tully vào nhóm động vật không xương sống thân mềm, các nhà nghiên cứu sử dụng những phương pháp tân tiến và rút ra kết luận sinh vật thực chất là một loài cá có xương sống. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm qua trên tạp chí Nature.

Quái vật Tully được phát hiện năm 1958. Nhà khảo cổ học nghiệp dư Francis Tully tình cờ bắt gặp hóa thạch của một sinh vật hải dương chưa từng thấy tại Illinois, Mỹ. Sinh vật có thân hình ống, dài 30cm, mũi thuôn dài, nhiều răng và mắt ở cuối thân, khiến nó trông giống một con quái vật hơn động vật bình thường. Vì lý do này, sinh vật được đặt tên là quái vật Tully. Từ sau đó, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều hóa thạch khác tương tự.

Ảnh phục dựng hình dáng quái vật Tully cách đây 300 triệu năm.
Ảnh phục dựng hình dáng quái vật Tully cách đây 300 triệu năm. (Ảnh: forbes).

Trong nhiều năm, các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu nguồn gốc sinh vật, cách nó tồn tại và xuất hiện trên Trái Đất, nhưng phân tích hóa thạch đặc biệt khó khăn. "Về cơ bản, không ai biết đó là con gì. Những mẫu hóa thạch không dễ hiểu rõ, và chúng khác nhau đôi chút. Một số người cho rằng có khả năng nó là một loại nhuyễn thể biết bơi kỳ lạ. Chúng tôi quyết định sử dụng mọi phương pháp phân tích khả thi với mẫu vật", Derek Briggs, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.

Viện bảo tàng Field ở Chicago, Mỹ, cho phép các nhà khoa học sử dụng bộ sưu tập quái vật Tully gồm 2.000 mẫu vật để tiến hành phân tích chuyên sâu. Briggs và đồng nghiệp kiểm tra chi tiết những đặc trưng hình thái trên các hóa thạch khác nhau.

Nhóm nghiên cứu cũng áp dụng lần đầu tiên kỹ thuật phân tích tân tiến mang tên lập bản đồ yếu tố synchrotron. Mục đích của họ là sử dụng thành phần hóa học bên trong hóa thạch để phác họa một số đặc trưng cơ thể của sinh vật. Bằng cách này, họ phát hiện hai đặc điểm mới của quái vật Tully.

Theo các nhà nghiên cứu, loài động vật có mang và que xương (notochord), một dạng dây cột sống thô sơ. Do sinh vật có mắt và nhiều răng, nhóm nghiên cứu tin rằng nó là động vật ăn thịt.

"Những con quái vật có liên quan tới loài cá không hàm vẫn tồn tại ngày nay do sở hữu những đặc điểm độc đáo bao gồm mang nguyên thủy, răng mọc thành hàm và dấu vết của que xương, cấu trúc giống sợi dây mềm dẻo chạy dọc sống lưng, thường xuất hiện ở động vật có xương sống", Paul Mayer, quản lý bộ sưu tập hóa thạch động vật không xương sống ở Bảo tàng Field, cho biết.

Phát hiện đánh dấu bước đột phá trong việc tìm hiểu sinh học của những sinh vật tiền sử bí ẩn. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn cần giải đáp như quái vật Tully xuất hiện trên Trái Đất khi nào và loài vật tuyệt chủng vào thời gian nào.

Cập nhật: 17/03/2016 Theo VnExpress
  • 6.439