Phát hiện "Siêu Trái Đất" bằng kỹ thuật quan sát mới

  •   3,52
  • 1.937

Với việc sử dụng kỹ thuật vi ảnh và phương tiện quan sát vũ trụ mới có tên OGLE, các nhà thiên văn học trường Đại học Ohio (Mỹ) đã phát hiện "Siêu Trái Đất", một hành tinh mới thuộc hệ Mặt Trời khác, cách Trái Đất 9.000 năm ánh sáng (1 năm ánh sáng = 10 nghìn tỷ km), trong khu vực có nhiều hành tinh khí khổng lồ giống như sao Mộc và sao Thổ của hệ Mặt Trời.

Hành tinh mới phát hiện trên có kích thước lớn gấp 13 lần Trái Đất và quay theo quỹ đạo một ngôi sao lùn đỏ có kích thước chỉ bằng nửa Mặt Trời. Các nhà thiên văn Mỹ cho rằng hành tinh mới này không thể tích tụ đủ lượng khí để trở thành các hành tinh khí khổng lồ như sao Mộc và sao Thổ, song lại khá phổ biến ở các hệ Mặt Trời trong vũ trụ. Khoảng 35% các hệ Mặt Trời này có các hành tinh như "Siêu Trái Đất".

Khoảng cách quá xa từ hành tinh này đến Mặt Trời của nó khiến nhiệt độ của hành tinh này xuống rất thấp tới -330 độ F (-201 độ C). Các nhà khoa học cho biết đây là một trong những hành tinh lạnh nhất được phát hiện ngoài hệ Mặt Trời của Trái Đất. Ở nhiệt độ này, hành tinh trên chỉ có đá và băng do nước ở dạng lỏng không thể tồn tại và cũng không thể có sự sống. 


Theo VTV/TTXVN
  • 3,52
  • 1.937