Phát hiện sớm và điều trị lao cho người nhiễm HIV

  •  
  • 7.199

Theo báo cáo của Hội nghị Lao và bệnh phổi quốc tế, toàn cầu có 1/3 dân số nhiễm lao; trong đó, có đến 11 triệu bệnh nhân lao đang phải sống chung với căn bệnh AIDS, 28% bệnh nhân lao bị nhiễm HIV ở lứa tuổi 14- 25 và chủ yếu là ở những quốc gia nghèo đói, các nước đang phát triển.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4.000 bệnh nhân lao là người nhiễm HIV. Riêng ở TP Cần Thơ, theo số liệu thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, bệnh nhân lao/HIV được phát hiện và điều trị lao tăng dần theo mỗi năm. Năm 2004, chỉ có 36 bệnh nhân; đến năm 2006, con số này là 71 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân lao/HIV được điều trị lao năm 2005 là 71 bệnh nhân; trong đó, 40 bệnh nhân được đánh giá khỏi bệnh lao, 23 bệnh nhân chết, số còn lại bỏ trị hoặc chuyển đi nơi khác.

Đại dịch HIV/AIDS gây ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu khống chế bệnh lao của chương trình chống lao quốc gia. Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội hàng đầu ở người nhiễm HIV. Nguy cơ nhiễm lao trên người nhiễm HIV cao gấp gần 30 lần so với người không bị nhiễm HIV. Bệnh lao nhiễm HIV cũng làm cho diễn biến của HIV chuyển sang giai đoạn AIDS nhanh hơn. Và bệnh lao cũng làm giảm thời gian sống của người nhiễm HIV vì nó góp phần làm giảm miễn dịch cơ thể nhanh hơn.

Bệnh lao và HIV bản chất là những bệnh truyền nhiễm mãn tính. Điều khó khăn là người nhiễm HIV hầu như không có bệnh cảnh lâm sàng rõ rệt và nhiều người không biết mình bị nhiễm HIV nên không đi khám và làm xét nghiệm. Ngược lại, người nhiễm HIV ít quan tâm hoặc vì mặc cảm cũng không đi khám, xét nghiệm phát hiện bệnh lao. Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh lao khi đi khám bệnh được phát hiện thêm HIV và người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn nặng mới đi khám phát hiện bệnh lao.

(Ảnh: Positivenation)Vì vậy, hiện nay, ở Việt Nam, chương trình phòng chống lao đã và đang phối hợp chặt chẽ với chương trình phòng chống HIV/AIDS trong hoạt động khám phát hiện và điều trị sớm cho bệnh nhân lao/HIV nhằm làm giảm thiểu nguồn lây lao, giảm thiểu tử vong do nhiễm trùng cơ hội ở bệnh nhân HIV/AIDS nhất là do lao. Để tăng cường phát hiện lao trên bệnh nhân HIV/AIDS chương trình chống lao quốc gia đã phối hợp với một số dự án triển khai các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV. Sau đó, chuyển sang các phòng khám ngoại trú để bệnh nhân được theo dõi về lâm sàng phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng cơ hội trong đó có lao.

Ở Cần Thơ, ngoài các điểm xét nghiệm tự nguyện do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS triển khai ở một số quận, huyện còn có 2 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện do chương trình chống lao quốc gia triển khai ở 2 huyện: Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Những phòng khám này tạo điều kiện thuận lợi giữa người bệnh với nhân viên y tế trong khám phát hiện lao và HIV.

Các dấu hiệu phát hiện bệnh lao phổi ở người nhiễm HIV cũng giống như ở người không nhiễm HIV như:

- Ho khạc kéo dài trên 2 tuần.
- Sốt về chiều hoặc sốt kéo dài.
- Gầy, sút cân.
- Đau tức ngực.

Khi thấy có một trong các dấu hiệu trên cần đến ngay phòng khám lao, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại các Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện để được hướng dẫn khám xét nghiệm đàm.

Điều trị và đánh giá kết quả khỏi bệnh lao ở người nhiễm HIV cũng giống như những bệnh nhân lao khác. Nghĩa là người bệnh được điều trị theo phác đồ, thuốc điều trị lao được cấp miễn phí. Người bệnh được cán bộ y tế quản lý tại địa phương, cấp thuốc điều trị ngoại trú; đồng thời, theo dõi giám sát người bệnh dùng thuốc lao trong suốt quá trình điều trị 8 tháng. Kết quả khỏi bệnh lao của người nhiễm HIV là khi đã điều trị đủ thời gian và kết quả xét nghiệm đàm sau cùng không còn vi khuẩn lao.

Điều quan trọng để phòng tránh, điều trị thành công bệnh lao là phải đi khám khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao để được phát hiện sớm. Phải kiên nhẫn, tuân thủ nghiêm ngặt theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế phụ trách trong quá trình điều trị. Phải dùng thuốc đủ liều, đều đặn, đúng thời gian...

BS.HUỲNH VĂN THANH (BV. Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ)

Theo Báo Cần Thơ
  • 7.199