Phát hiện sự sống kỳ lạ dưới băng Nam Cực

  •  
  • 4.883

Các nhà khoa học Nga tin rằng, họ đã phát hiện một dạng sống mới bị chôn giấu hàng triệu năm trong một hồ nước vùi sâu dưới băng Nam Cực.

Hãng thông tấn RIA của Nga đưa tin, sau hơn một thập kỷ khoan thăm dò gián đoạn, các nhà nghiên cứu nước này rốt cuộc đã có thể xuyên thủng lớp vỏ đông cứng của Nam Cực vào năm ngoái và thu thập các mẫu nước từ hồ Vostok, vốn chưa từng được tiếp cận trong ít nhất 14 triệu năm qua.

Một người đàn ông đứng gần thiết bị khoan thăm dò tại Trạm nghiên cứu hồ Vostok của Nga ở Nam cực năm 2006
Một người đàn ông đứng gần thiết bị khoan thăm dò tại
Trạm nghiên cứu hồ Vostok của Nga ở Nam cực năm 2006

Giới khoa học cho rằng, hồ nước ngọt nằm sâu dưới bề mặt băng khoảng 3.700m (tức cao hơn mực nước biển gần 500m) này có thể hé lộ đôi chút về Trái đất trước kỷ Băng hà cũng như cung cấp các manh mối về sự sống trên những hành tinh khác.

"Sau khi loại trừ tất cả các tạp chất đã biết, ADN của vi khuẩn được tìm thấy không khớp với bất kỳ loài nào trong mọi kho cơ sở dữ liệu trên thế giới. Nếu nó (vi khuẩn) được tìm thấy trên sao Hỏa, khi đó chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng hành tinh đỏ đang tồn tại sự sống. Nhưng đây là ADN thu được trên Trái đất nên chúng tôi gọi nó là một dạng sống chưa được xác định hoặc phân loại", chuyên gia Sergei Bulat thuộc Viện Vật lý hạt nhân St. Petersburg (Nga) nói.

Các nhà khoa học đến từ Mỹ và Anh cũng đang theo sát các đồng nghiệp Nga trong việc tìm hiểu dạng sống nào có thể tồn tại ở một trong những môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái đất.

Trong năm nay, một đoàn thám hiểm của Mỹ tuyên bố đã nhìn thấy các tế bào sống khi dùng kính hiển vi soi những mẫu nghiên cứu lấy từ hồ Whillans nằm nông dưới băng Nam cực. Tuy nhiên, họ cần nghiên cứu thêm để xác định đó là loại vi khuẩn nào và cách sinh tồn của chúng.

Một nỗ lực của người Anh nhằm tiếp cận thực thể thứ ba ở Nam cực, hồ Ellsworth, đã bị tạm ngưng hồi tháng 12 năm ngoái vì gặp trục trặc trong khoan thăm dò.

Phát hiện của các nhà khoa học Nga có được nhờ việc phân tích nước đóng băng ở đầu mũi khoan xuyên thủng tới hồ Vostok – cá thể lớn nhất trong một mạng lưới gồm hàng trăm hồ vùi dưới lớp băng đóng vai trò như một chiếc chăn nhốt giữ địa nhiệt của hành tinh chúng ta.

Các nhà khoa học Nga vẫn chờ thu thập thêm nhiều mẫu để xác thực khám phá của họ. Do công nghệ được sử dụng để tránh gây ô nhiễm môi trường hồ nguyên sơ nên Nga dự kiến sẽ chỉ lấy được các mẫu nước sạch (nước không bị ô nhiễm bởi chất lỏng rỉ ra từ quá trình khoan) phục vụ việc phân tích vào cuối năm nay.

Theo Vietnamnet
  • 4.883