Phát hiện voi hồng ở châu Phi

  •  
  • 3.221

Một nhà quay phim chụp được hình ảnh chú voi con màu hồng lạ mắt tại Botswana, châu Phi. 

Voi hồng sống cùng một đàn voi khoảng 80 con. Ảnh: Mike Holding.


Mike Holding và đồng nghiệp nhìn thấy con voi hồng trong một đàn voi khoảng 80 con trong lúc quay phim cho chương trình của BBC tại vùng châu thổ Okavango của Botswana. Đoàn làm phim cho rằng con vật 2-3 tháng tuổi mắc bệnh bạch tạng. “Chúng tôi chỉ nhìn thấy nó trong vài phút khi đàn voi băng qua sông. Chẳng ai tin vào mắt mình. Mọi người đều hiểu đó là một khoảnh khắc hiếm hoi”, Holding kể.

Voi mắc bệnh bạch tạng thường không có lớp da màu trắng. Thay vào đó da của chúng chuyển sang màu nâu đỏ hoặc hồng nhạt. Bệnh bạch tạng khá phổ biến ở voi châu Á, nhưng người ta hiếm khi thấy voi bạch tạng ở châu Phi.

Tiến sĩ Mike Chase, nhà sinh thái điều hành tổ chức bảo tồn Elephants Without Borders, nói: “Tôi mới chỉ gặp 3 con voi bị bạch tạng ở Công viên quốc gia Kruger tại Nam Phi. Chúng tôi đã nghiên cứu voi ở ở phía bắc Botswana trong gần 10 năm và đây là lần đầu tiên có bằng chứng về sự xuất hiện của voi bạch tạng tại khu vực này”.


Theo Chase thì nguyên nhân khiến con voi bị bạch tạng vẫn là điều bí ẩn. Ông không dám chắc con vật sẽ sống lâu, bởi ánh nắng gay gắt ở châu Phi có thể gây mù và các bệnh về da.

“Có vẻ như con voi bạch tạng luôn đi sát voi mẹ để tận dụng bóng râm mà mẹ nó tạo ra. Hành vi đó cho thấy voi con ý thức được tình trạng của nó và biết cách làm tăng cơ hội sống sót. Voi rất thông minh và là bậc thầy trong nghệ thuật thích nghi với môi trường sống trong thế giới động vật”, tiến sĩ Chase cho biết thêm.

Theo VnExpress (BBC)
  • 3.221