Phòng chống nhiễm giun đường ruột

  •  
  • 5.152

Theo một điều tra của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương, ở nước ta ước tính có khoảng 60 triệu người nhiễm giun đũa, 40 triệu người nhiễm giun tóc và 40 triệu người nhiễm giun móc. Bệnh giun đường ruột gây ra những tác hại không nhỏ cho con người và đang là một vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe của cộng đồng.

Diễn biến của bệnh giun đường ruột rất khác nhau đối với các đối tượng (trẻ em, phụ nữ...) và phụ thuộc vào đặc thù của nghề nghiệp. Mức độ tổn thương do giun đường ruột nặng hay nhẹ tùy thuộc vào loài giun ký sinh, số lượng giun nhiễm với khả năng chiếm thức ăn và gây độc của chúng, mức độ

Không để trẻ chơi ở nơi mất vệ sinh để tránh nhiễm giun đường ruột.
Không để trẻ chơi ở nơi mất vệ sinh để tránh nhiễm giun đường ruột. (Ảnh: myweb)
cảm nhiễm, mức chịu đựng đối với giun đường ruột của mỗi cá thể.

Đối với giun đũa

Các biểu hiện lâm sàng ở người bị nhiễm giun đũa rất mờ nhạt, thường chỉ được phát hiện dựa trên kết quả xét nghiệm phân, hoặc giun trưởng thành ra ngoài cùng với phân. Tỷ lệ nôn và đại tiện ra giun chỉ khoảng 0,5% người lây nhiễm trứng giun đũa theo đường ăn uống. Trong thời kỳ ấu trùng giun đũa di chuyển, khi qua phổi có thể xuất hiện một số dấu hiệu như ho, hen phế quản, nổi mẩn hoặc khạc ra máu bất thường. Nếu vì một lý do nào đó, ấu trùng giun đũa cư trú lại gan, não, tủy sống, mắt, thận... thì tác hại do chúng gây ra khó có thể lường hết được. Khi giun trưởng thành ký sinh ở ruột với số lượng từ 5-6 con, có thể xuất hiện dấu hiệu khó tiêu “đau bụng giun”, nổi cứng với từng cơn đau ruột. Nếu bị nhiễm nhiều giun sẽ có thể xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như tắc ruột chiếm tỷ lệ 38-87,5%, số giun đếm được trong những trường hợp này lên đến trên 60 con. Biến chứng tắc ruột do giun thường gặp ở trẻ em (57,7%). Ngoài ra, giun đũa còn gây các biến chứng hiểm nghèo như: viêm ruột, thủng ruột, viêm tắc đường mật, tạo sỏi mật, áp-xe gan hoặc giun chui vào các khoang rỗng.

Những tác hại do giun đũa gây ra là do chúng đã chiếm thức ăn, chiếm vitamin, đặc biệt là vitamin A ở ruột để phát triển và sinh sản. Chúng còn bài tiết ra chất Askaron thường xuyên gây nhiễm độc cho cơ thể. Trong ống tiêu hóa, giun đũa luôn kích thích, làm tổn thương vùng niêm mạc ruột dưới dạng phì đại hoặc mất tế bào. Giun đũa gây rối loạn tiêu hóa và làm giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới việc tiêu hóa mỡ, đạm tại ruột dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Mỗi ngày cứ 26 con giun đũa trong ruột có thể ăn hết 4g đạm trong tổng số 35-50g đạm được đưa vào cơ thể. Đối với trẻ em bị nhiễm giun đũa, cơ thể sẽ giảm hấp thu đường từ gạo. Nếu nhiễm khoảng 15 con giun đũa, cơ thể sẽ mất đi 13,4% chất mỡ, 7,2% chất đạm trong khẩu phần ăn hằng ngày, nên rất ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần của trẻ.

Đối với giun tóc

Nếu số lượng nhiễm ít, sẽ không có biểu hiện lâm sàng. Trường hợp nhiễm nhiều, niêm mạc ruột sẽ bị tổn thương nặng và luôn bị kích thích gây nên các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, hay một hội chứng giống lỵ (đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, mũi). Chỗ trực tràng bị viêm và trực tràng bị sa thường phủ đầy giun. Nhiễm giun tóc nhiều sẽ dẫn đến hội chứng thiếu máu.

Những người trẻ tuổi thường hay bị nhiễm giun tóc, dẫn đến bị rối loạn giấc ngủ, nếu kéo dài sẽ dẫn đến bị rối loạn thần kinh. Ở trẻ nhỏ sẽ gây chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ. Giun tóc ký sinh trong ruột thừa, hoặc chính chúng là tác nhân dẫn vi trùng vào gây nên tình trạng viêm ruột thừa.

Bệnh giun móc/mỏ

Giun móc chui vào cơ thể qua da
Loại giun móc chui vào cơ thể qua da (Ảnh: scientificpsychic)
Loại giun này chui vào cơ thể qua da, mô, biểu bì, hoặc nhiễm theo đường tiêu hóa, xuyên qua thực quản tới phổi. Người bị lây nhiễm lần đầu, ở vùng da ấu trùng chui qua có phản ứng viêm da dị ứng tại chỗ gây hiện tượng “đất ăn chân”. Tại vị trí ký sinh trong tá tràng, hỗng tràng hay phần đầu ruột non, giun móc/mỏ trưởng thành bám vào thành ống tiêu hóa nhờ hấp khẩu có móc hoặc răng sắc. Giun ngoạm sâu dưới lớp niêm mạc ruột gây ra những vết loét, khi bị bội nhiễm vi khuẩn vết loét sẽ sùi như hạt ổi. Trong ruột, giun móc/mỏ thường xuyên hút chất dinh dưỡng, làm cơ thể mất sắt, giảm huyết sắc tố, giảm một số loại vitamin A, B1, B2, C..., ion sắt.

Các biểu hiện lâm sàng thường là rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác (người bệnh ăn dở), buồn nôn, ăn mất ngon, đau bụng vùng quanh rốn hay ở vùng thượng vị như trong bệnh loét dạ dày - tá tràng, đại tiện phân có thể lẫn máu đen... Người bệnh thấy mệt mỏi, làm việc uể oải, chán ăn, nặng chi dưới khi đi lại. Một triệu chứng nổi bật ở những người bệnh giun móc/mỏ là thiếu máu. Thiếu máu ngày một nặng, ở trẻ em và phụ nữ có thai, tình trạng thiếu máu còn có thể phát triển rầm rộ dẫn đến tử vong. Vừa hút máu, giun còn tiết ra chất làm chậm đông máu nên dẫn đến mất máu kéo dài. Các độc chất này còn hủy hoại các loại thức ăn giàu đạm, mỡ, đường khiến người bệnh mất hết sinh lực và khả năng lao động. Trẻ em bị còi cọc, chậm lớn, phụ nữ có thai dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu.

Phòng bệnh giun đường ruột

- Dùng các loại thuốc giun để điều trị bệnh. Hiện nay có một số thuốc giun sán đang được sử dụng phổ biến có hiệu quả trong điều trị cả 3 loại giun là levamisole (decaris, hacaris...); mebendazole (vermox, Fugacar...); albedazole (zentel, alzental...); pyrantel pamoate (combantrin, anthel...).

- Thường xuyên tổng vệ sinh môi trường nhằm tiêu diệt trứng và ấu trùng giun trong giai đoạn phát triển ở ngoại cảnh (chủ yếu ở môi trường đất). Ngăn ngừa khả năng tái nhiễm của giun đường ruột vào cơ thể.

- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh giun đường ruột để mọi người có ý thức tham gia vào việc phòng nhiễm và tái nhiễm giun.

- Đưa công tác phòng chống bệnh giun sán vào các kế hoạch, chiến lược hành động của ngành y tế.

Bác sĩ QUỐC ĐÔNG

Theo Sức khỏe đời sống, Nhân dân
  • 5.152