Phòng thí nghiệm của NASA vào quỹ đạo Mặt Trăng

  •  
  • 909

Theo cơ quan không gian Mỹ NASA, vệ tinh thứ nhất trong hai vệ tinh của NASA tiến hành nghiên cứu Mặt Trăng đã vào quỹ đạo.

>>> “Cặp song sinh” trên mặt trăng của NASA

Các quan chức NASA ở phòng thí nghiệm Jet Propulsion ở Pasadena, California cho biết, Phòng thí nghiệm phục hồi trọng lực số một (GRAIL-A) đã vào quỹ đạo Mặt Trăng vào lúc 22 giờ 01 GMT ngày 31/12/2011, GRAIL-B dự kiến sẽ vào quỹ đạo vào lúc 22 giờ 05 ngày 1/1/2012.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu GRAIL, Maria Zuber, thuộc Viện công nghệ Massachusetts, nói trong tuyên bố trước đó rằng nhiệm vụ nghiên cứu Mặt Trăng lần này sẽ “viết lại các sách giáo khoa về sự tiến hóa của Mặt Trăng". Hai vệ tinh trị giá 500 triệu USD có kích cỡ bằng một chiếc máy giặt này đã được phóng đi từ ngày 10/9 để lần đầu tiên vẽ bản đồ lõi bên trong của Mặt Trăng.

Phòng thí nghiệm của NASA vào quỹ đạo Mặt Trăng

Từ tháng 3/2012, hai vệ tinh không người lái này sẽ gửi về các tín hiệu radio cho phép các nhà khoa học ở trái đất tạo ra bản đồ với độ phân giải cao về các vùng trọng lực ở Mặt Trăng, để hiểu rõ hơn bề mặt cũng như nguồn gốc của những tinh thể khác trong hệ Mặt Trời.

Nhiệm vụ này cũng được chờ đợi sẽ mở ra những tìm tòi mới về vùng chưa được khám phá của Mặt Trăng và thử nghiệm giả thuyết rằng từng tồn tại một Mặt Trăng thứ hai xoay quanh trái đất. Hai vệ tinh Mặt Trăng nói trên phải mất ba tháng mới đến được quỹ đạo của thiên thể này thay vì chuyến đi ba ngày trong các nhiệm vụ có người lái của chương trình Apollo. Hai vệ tinh đã đi qua quãng đường bốn triệu km kể từ khi được phóng đi vào tháng 9, theo NASA.

Vào lúc 23 giờ GMT ngày 31/12/2011, GRAIL-B còn ở cách Mặt Trăng hơn 48.000km và di chuyển với tốc độ 1.442 km/g, theo NASA. Các nhà khoa học tin rằng Mặt Trăng được hình thành khi một vật thể có kích cỡ hành tinh đã đâm vào trái đất làm văng ra những vật liệu sau đó trở thành vệ tinh tự nhiên không có không khí, không người ở này.

Nhưng vì sao Mặt Trăng nóng lên, dẫn đến việc kiến tạo một đại dương nham thạch sau này đã đông cứng, vẫn còn là một bí ẩn, bất kể loài người đã tiến hành 109 nhiệm vụ nghiên cứu Mặt Trăng từ năm 1959 và 12 người từng bước chân lên bề mặt thiên thể này.

Theo Vietnam+
  • 909