Phụ nữ làm khoa học - khó khăn muôn nẻo

  •  
  • 1.912

Tại sao tỉ lệ phụ nữ đạt bằng tiến sĩ trong lĩnh vực toán và khoa học lại ít hơn nam giới? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có lời giải thích đầy đủ. Liệu phụ nữ có được đối xử công bằng trong lĩnh vực được cho là của nam giới là toán và khoa học?

Nghiên cứu của Tổ chức khoa học quốc gia Mỹ cho biết, ngày nay, những người phụ nữ được giữ lại làm trợ giảng tại các trường đại học thường có cơ hội kiếm được việc làm cao hơn các đồng nghiệp nam.

So với số người làm luận án tiến sĩ trực tiếp thì số người làm trợ giảng ít hơn. Ví dụ trong ngành hóa học, từ năm 1999 đến năm 2003, tỉ lệ tiến sĩ là phụ nữ là 32% còn tỉ lệ trợ giảng là nữ giới chỉ chiếm 18%.

Người ta đã thực hiện một cuộc điều tra tại 89 viện nghiên cứu để thống kê về số lượng tiến sĩ và những đóng góp trong lĩnh vực sinh học, hóa học, xây dựng, điện, toán và vật lý. 

Kết quả cho thấy, mặc dù chỉ chiếm số ít trong ngành toán học và khoa học nhưng số lượng phụ nữ có học vị cao đã tăng trong những năm qua. Năm 1995, tỉ lệ nữ giới làm trợ giảng cho các giáo sư toán học là 18,7% và có 7,6% giáo sư là phụ nữ. Đến năm 2003, các con số này đã tăng lên với 26,5% trợ giảng và 9,7% giáo sư.

Chỉ có một tỉ lệ nhỏ phụ nữ đạt được học vị Tiến sĩ về khoa học tự nhiên trong các viện trường đại học. (Ảnh: Scientificamerican.com)

Số tiền một nữ giáo sư kiếm được ít hơn 8% so với một đồng nghiệp là nam giới. “Phụ nữ vẫn gặp phải nhiều vấn đề khi họ làm việc trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ,” Phoebe Leboy, Chủ tịch Hiệp hội phụ nữ hoạt động trong ngành khoa học (AWIS), nói. Bà Phoebe Leboy còn là giáo sư sinh hóa học và đã từng giảng dạy tại Đại học Pennsylvania. Bà Leboy biết rất nhiều phụ nữ được hỏi đã trả lời rằng công việc nghiên cứu không dành cho họ.

Nếu vậy thì họ sẽ làm công việc gì? Điều tra của Chính phủ không bao gồm câu hỏi: phụ nữ sẽ làm gì khi họ từ bỏ việc nghiên cứu hoặc bị giữ lại ở mức trợ lý giáo sư, Giáo sư Sally Shaywitz, nói. Hiện bà đang là Chủ tịch Trung tâm dành cho những đứa trẻ mắc bệnh khó đọc và sáng tạo ở Yale, Mỹ. Bà Shaywitz chỉ trích: “Đây chỉ là cuộc nghiên cứu nửa vời của Chính phủ”.

Dựa trên nghiên cứu của AWIS, bà Leboy nhấn mạnh rằng trong số những phụ nữ có bằng tiến sĩ khoa học, rất ít người kiếm được công việc trong viện nghiên cứu. Đa phần họ phải làm những công việc khác như viết sách, biên tập hoặc quan hệ công chúng.

Với những khó khăn như: tài chính eo hẹp, mất nhiều thời gian và áp lực phải sớm hoàn thành, có vẻ như công việc nghiên cứu không phải là sự lựa chọn hấp dẫn. Bà Shaywitz gợi ý rằng các trường đại học nên đẩy nhanh quá trình công nhận trợ giảng trở thành tiến sĩ, vì nếu quá trình này kéo dài như hiện tại sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn về vấn đề tài chính, thậm chí một số người có thể phải bỏ cuộc để đi kiếm tiền.

Bà cũng cho rằng cần phải thay đổi suy nghĩ: “Người phụ nữ muốn lập gia đình là một người yếu đuối”. Và nhấn mạnh rằng trường đại học và viện nghiên cứu phải là nơi tiên phong trong việc này.

Bà Leboy đồng ý với quan điểm “phải thay đổi suy nghĩ về phụ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học”. Bà cũng nhấn mạnh chúng ta nên bầu nữ giới vào những chức vụ lãnh đạo trong lĩnh vực khoa học, để tạo ra động lực và hình mẫu cho những cô gái trẻ.

Trịnh Vũ - Vietnamnet (Theo Scientificamerican.com
  • 1.912