Quan sát bầu trời từ Nam cực

  •  
  • 329

Một kính viễn vọng trang bị một tấm gương với đường kính 10m vừa được đặt tại Nam cực nhằm nghiên cứu các thành phần của vũ trụ. Là kết quả hợp tác của nhiều trường đại học Mỹ, với sự tài trợ phần lớn bởi Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF), kính viễn vọng Nam cực (SPT) sẽ giúp lập bản đồ về sự bức xạ hóa thạch của vũ trụ.

Vùng cực nam là một trong các địa điểm khó lắp đặt kính viễn vọng nhất trên Trái Đất, nhưng lại là vị trí tốt nhất để quan sát bầu trời. Được chế tạo tại Texas (Mỹ), kính viễn vọng SPT đã được chuyển đến New Zealand bằng tàu, sau đó được máy bay đưa từng bộ phận tháo rời đến trạm Amundsen-Scott của Mỹ ở Nam cực. Sau hơn 3 tháng lắp đặt, kính viễn vọng đã chiếu ánh sáng đầu tiên vào ngày 15/2 vừa qua.

Từ vị trí thuận lợi nhất, SPT sẽ lập bản đồ đáy vũ trụ được xem như là vết tích của thời kỳ rất nóng mà vũ trụ thời sơ khai đã trải qua cách đây 13 tỉ năm. Một trong các mục tiêu hàng đầu là vén màn bí mật của vũ trụ và xác nhận sự tồn tại của năng lượng đen, lực bí ẩn đối nghịch với trọng lực có thể là nguyên nhân khiến vũ trụ giãn nở.


(Ảnh: Knoxnews.com)


(Ảnh: Knoxnews.com)

T.Đ

Theo Sciences & Avenir, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh
  • 329