Quãng đường di trú của chim đang dài ra

  •  
  • 1.106

Quãng đường di trú của chim sẽ dài hơn, theo nghiên cứu đầu tiên về tác động của thay đổi khí hậu đối với chim di trú. Quãng đường di trú của một số loài có thể tăng thêm đến 400km.

Tác giả chính, Nathalie Doswald thuộc Đại học Durham (Anh Quốc), cho biết: “Thay đổi về nhiệt độ được dự đoán và những thay đổi môi trường sống có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều loài vật”.

Một nhóm nghiên cứu – dưới sự chỉ đạo của Đại học Durham và do RSPB (BirdLife tại Anh Quốc) cùng Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên tài trợ - đã tìm hiểu chu trình di trú của chim chích Sylvia châu Âu, một nhóm các loài chim thường thấy tại châu Âu, ví dụ như chim chích cổ bạc Sylvia communis và Blackcap Sylvia atricapilla.

Tiến sĩ Stephen Willis – trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Durham, cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy quãng đường di trú của một số loài chim sẽ kéo dài hơn. Đây không phải là một tin tức tốt lành cho các loài chim, ví dụ như chim chích cổ bạc”.

Khoảng 500 triệu con chim được ước lượng di trú từ châu Phi đến châu Âu và châu Á. Những con chim, nhỏ nhất vào khoảng 9 gam, di trú hàng năm trên quãng đường hàng nghìn dặm giữa hai lục địa để tìm kiếm thức ăn và khí hậu phù hợp.

Quãng đường di trú “marathon” của một số loài chim – ví dụ như chim chích cổ bạc – sẽ dài hơn. (Ảnh: BirdLife/Roger Tidman (rspb-images.com))

Tiến sĩ Willis thêm vào: “Hầu hết chim chích đến đây vào mùa xuân và mùa hè để tận dụng nguồn sâu bọ dồi dào, rồi rời đi vào mùa thu. Từ 2071 đến 2100, 9 trong 17 loài chúng tôi nghiên cứu được dự đoán sẽ có quãng đường di trú dài hơn, đặc biệt là những loài chim phải bay qua sa mạc Sahara”.

Đồng tác giả của nghiên cứu, giáo sư Rhys Greeen thuộc Đại học Cambridge và RSPB, cho biết: “Những loài chim nhỏ bé này đang thực hiện những chuyến đi đáng kinh ngạc, đẩy bản thân chúng đến giới hạn của sự chịu đựng. Bất cứ điều gì khiến những chuyến đi này trở nên dài hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào những trạm nghị hiếm hoi để “tiếp nhiên liệu” có thể dấn đến sự khác biệt giữa sự sống và cái chết”.

Giáo sư Green nhấn mạnh: “Chúng tôi đã tìm thấy những bằng chứng rằng khu vực phân bố của chim đang chuyển dần lên phương bắc để tìm kiếm điều kiện môi trường phù hợp. Nghiên cứu mới nhất này cho thấy những chuyến đi vốn đã gian khổ của chúng sẽ kéo dài hơn”.

Trước sự giảm sút đáng lo ngại của nhiều loài di trú, Birdlife đã phát động chiến dịch Born to Travel để bảo vệ những loài chim di trú dọc theo đường bay châu Phi – Âu Á. Richard Grimmet, Trưởng ban bảo tồn của BirdLife, cho biết: “Các loài chim gặp phải rất nhiều nguy cơ trong hành trình di trú hàng năm”.

Ông thêm vào: “BirdLife và các đối tác đang làm việc tích cực để tạo ra chu trình bay an toàn hơn cho các loài chim di trú. Chúng tôi có đối tác trên 70 nước dọc theo những đường di trú giữa châu Âu, Trung Đông và châu Phi, và hiện đang cùng làm việc để giải quyết những mối đe dọa đối với các loài chim di trú ví dụ như sa mạc hóa, sự phá rừng, và thay đổi khí hậu”. 

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.106