Rận từ xác ướp Peru tiết lộ thông tin về di cư của loài người

  •  
  • 924

Công trình nghiên cứu mới của Đại học Florida phát hiện ra những con rận từ xác ướp 1.000 năm tuổi ở Peru có thể tiết lộ những thông tin quan trọng về sự di cư của những cư dân đầu tiên ở châu Mỹ.

David Reed, trợ lý phụ trách về động vật có vú tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Florida, nằm trong khuôn viên trường ĐH Florida, đồng thời là một trong những tác giả của công trình phát biểu: “Lạ lùng là một loài ký sinh mà hầu hết mọi người đều ghét thực sự lại có thể thông tin cho chúng ta là loài người đã di chuyển trên địa cầu như thế nào.”

Chuỗi sắp xếp DNA phát hiện trên loài rận này có gen tương tự như loài rận truyền những bệnh nguy hiểm chết người như sốt Rickettsia đã làm tan tác đội quân của Napoleon và hàng triệu quân lính khác.

Khám phá ra những con rận ký sinh trên những xác ướp Peru thế kỷ 11 chứng minh loài này đã truyền bệnh cho những người bản xứ châu Mỹ gần 500 năm trước khi người châu Âu đến. Khám phá của Reed được đăng tải trên ấn bản trực tuyến của tạp chí Journal of Infectious Diseases.

Reed cho biết: “Điều này đi ngược lại với những tư tưởng cho rằng bệnh dịch bị lan truyền từ Cựu thế giới (châu Âu) sang Tân thế giới (châu Mỹ) vào thời của Columbus.”

Reed và cộng sự ngạc nhiên khi phát hiện nhóm rận tìm được trên xác ướp có kiểu gien tương tự như những nhóm ở rất xa như vùng cao nguyên Papua, New Guinea thay vì nhóm rận phổ biến ở Tây bán cầu. Loại này chiếm phân nửa những trường hợp về rận ở Mỹ, Canada và Trung Mỹ.

Reed phát biểu:Dựa vào sự đông đúc của nó ở châu Mỹ, chúng tôi nghĩ rằng loại rận này là loài đã xuất hiện ở đây ngay từ đầu và đã ở cùng với những cư dân đầu tiên của châu Mỹ. Chúng tôi hy vọng có thể hiểu được mẫu hình di cư của loài người bằng cách nghiên cứu những động vật ký sinh vì loài người thường đem theo cả chúng khi họ di chuyển từ vùng này sang vùng kia. Được gọi là bản thảo ký sinh, nó là một dạng tài liệu của lịch sử tiến hóa có thể bổ sung vào kiến thức có sẵn của chúng ta hoặc thông tin về những gì chúng ta chưa biết.”

"Ví dụ, khảo sát những chứng cứ ký sinh có thể tìm được những đầu mối quý giá về thời điểm những người châu Mỹ đầu tiên đặt chân lên đại lục này và con đường đi của họ.” Dựa trên công trình xâu chuỗi DNA, các nhà khoa học có thể liên kết những con rận 1.000 năm tuổi ở tây bán cầu với những loài ở Siberia hay Mông Cổ, khẳng định lại giả thiết hiện nay rằng những người châu Mỹ đầu tiên có nguồn gốc từ đây.

Nếu những người này di chuyển trên khối đất liền thì khoảng thời gian này là khá nhỏ, cách đây khoảng 13.000 năm khi những sông băng rút dần đủ để tạo thành một lối đi từ eo biển Bering đến Nam Mỹ. Một giả thiết khác đề cập đến di cư đường biển nhưng điều này sẽ đòi hỏi những kỹ năng đi biển phức tạp nhưng lại không có bằng chứng nào từ thời này chứng minh được điều đó.

Khả năng mô hình hóa những hình mẫu di dân sơ khai này có thể cung cấp thông tin về cách thức những dân di cư đầu tiên sống thế nào. “Nếu họ men theo rìa của sông băng, trong một giai đoạn rất lạnh và con người có lẽ phải cần những vật dụng để giữ ấm ví dụ như quần áo.”

Ngày nay, những người không thường xuyên thay quần áo thuộc nhóm người có nguy cơ mắc bệnh sốt Ricksetta cùng với những chứng ít phổ biến hơn như sốt hồi quy và sốt chiến hào cũng do rận gây ra. Những con rận đẻ trứng trong sợi vải và chỉ cần giặt quần áo là người ta gạt bỏ được loài đáng ghét này.

“Bệnh sốt Ricksetta nảy sinh đầu tiên ở những dân di cư rời bỏ quê hương chỉ đem mỗi quần áo trên người. Họ còn sống chen chúc trong điều kiện vệ sinh tồi tàn.” Reed cho biết, ông hy vọng nghiên cứu về rận sẽ tăng cường hiểu biết của con người về chứng bệnh sốt Ricksetta bằng cách chỉ ra được nguyên nhân căn bệnh từ đâu.

Nghiên cứu vật ký sinh để hiểu về lịch sử của vật chủ đã xuất hiện khoảng 20 năm. “Bằng việc nghiên cứu những loài như sán dây, giun kim, rận hoặc rệp mà con người đã chứa chấp ít nhất hàng chục ngàn năm, và trong một số trường hợp là hàng triệu năm. Chúng ta sẽ tìm hiểu được rất nhiều về lịch sử tiến hóa của loài người.”

Tuệ Minh (Theo PhysOrg)
  • 924