Robot Tò Mò chụp ảnh hai mặt trăng của sao Hỏa

  •  
  • 1.716

Mới đây, robot tự hành Curiosity (Tò Mò) đã chụp được những bức hình cho thấy hai mặt trăng của sao Hỏa là Phobos và Deimos và gửi về Trái đất.

Theo tạp chí Forbes, robot Tò Mò đã chụp 41 bức ảnh hai mặt trăng Phobos và Deimos vào ngày 1/8. Phải mất một tuần các bức ảnh mới được chuyển về Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Đây là lần đầu tiên NASA chụp được ảnh hai mặt trăng của sao Hỏa.

Robot Tò Mò chụp ảnh hai mặt trăng của sao Hỏa
Ảnh hai mặt trăng nhìn từ bề mặt sao Hỏa - (Ảnh: Forbes)

Trong các bức ảnh, mặt trăng Phobos trông lớn hơn rất nhiều so với Deimos và che khuất một phần Deimos. Trên thực tế, Phobos chỉ to gấp đôi Deimos nhưng khoảng cách từ Phobos đến sao Hỏa gần hơn nhiều so với Deimos. Do đó, Phobos trong ảnh trông lớn hơn.

Nhà thiên văn học Asaph Hall phát hiện hai mặt trăng của sao Hỏa vào năm 1877. Giới khoa học hiện tại cho rằng thực tế là hai thiên thạch bị lực hấp dẫn của sao Hỏa hút lại. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, hai mặt trăng này là những phần của sao Hỏa bị tách ra khi hành tinh đỏ va chạm với một thiên thể.

Điều thú vị là hai mặt trăng của sao Hỏa được tiên đoán trong sách khoa học viễn tưởng. Năm 1726, nhà văn Jonathan Swif khi viết tác phẩm Gulliver du ký đã đề cập đến hai mặt trăng của sao Hỏa. Trong truyện ngắn Micromegas viết năm 1750, nhà văn Voltaire cũng nói về hai mặt trăng này.

Mặt trăng Phobos chỉ rộng khoảng 11,2km, di chuyển trên quỹ đạo cách bề mặt sao Hỏa khoảng 5.954km và dần dần chuyển về phía hành tinh đỏ. Các chuyên gia dự báo trong khoảng thời gian 50 triệu năm, Phobos sẽ đâm vào sao Hỏa.

Ngược lại, mặt trăng Deimos chỉ rộng 6,4km, di chuyển cách sao Hỏa 19.955km và đang di chuyển xa dần hành tinh đỏ.

Theo Tuổi Trẻ
  • 1.716