Rồng Komodo dùng nọc độc để giết mồi

  •   42
  • 4.000

Loài thằn lằn lớn nhất thế giới, rồng Komodo, có nọc độc trong miệng để làm tê liệt con mồi. Phát hiện này cho thấy chúng nguy hiểm hơn nhiều so với nhiều loài bò sát khác. 

Một con rồng Komodo.


Sau khi cắn con mồi, rồng Komodo thường để chúng bỏ chạy và không đuổi theo. Tuy nhiên, những con vật bị rồng cắn luôn chết vì chảy máu liên tục. Tới lúc đó rồng mới ăn thịt mồi. Do con mồi không chết ngay nên nhiều nhà khoa học tin loài thằn lằn lớn nhất hành tinh không có nọc độc. Thay vào đó, những vi khuẩn trong miệng giúp chúng ngăn chặn sự đông máu của con mồi.

Khi nhận được tin một con rồng Komodo tại vườn thú Singapore sắp chết vì ốm nặng, các nhà khoa học của Đại học New South Wales (Australia) quyết định tìm hiểu xem nó có độc hay không. Họ mang theo thiết bị chụp cộng hưởng từ tới Singapore để nghiên cứu miệng con vật. Những hình ảnh ba chiều cho thấy, trong miệng rồng Komodo có nọc độc và các tuyến dẫn độc.

"Nọc trong miệng rồng Komodo có độc lực rất mạnh, giống như chất độc của nhiều loài rắn. Khi chúng cắn, chất độc sẽ theo nước bọt ngấm vào cơ thể con mồi. Chất độc khiến con mồi choáng váng vì tê liệt thần kinh, làm giãn mạch máu và ngăn chặn sự đông máu. Sau khi bỏ chạy con mồi sẽ chết sau khi máu chảy hết"
, Stephen Wroe, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói.

Từ trước tới nay giới khoa học cho rằng chỉ có hai loài thằn lằn có độc. Đó là thằn lằn da hột và thằn lằn Gila monster. Chúng phân bố ở Mexico và các bang phía nam nước Mỹ.

Rồng Komodo sống tại Indonesia. Những con trưởng thành có thể dài hơn 3 mét và nặng tới 70 kg. Thức ăn chủ yếu của chúng là động vật có vú, bò sát và chim. Trong vài trường hợp chúng tấn công cả người. Khả năng cắn của rồng yếu hơn nhiều so với những con cá sấu cùng kích cỡ. Với số lượng khoảng vài nghìn con trên khắp hành tinh, rồng Komodo là một trong những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo VnExpress (AFP)
  • 42
  • 4.000