Anh cho phép tạo phôi người từ 2 bà mẹ

  •  
  • 415

Cấu tạo trứng người. Ty thể nằm ngoài nhân, mang ADN riêng của mình. Nếu ADN này bị lỗi, đứa trẻ sẽ mang bệnh. Kỹ thuật mới sẽ lấy nhân (đã thụ tinh) của một trứng có ty thể lỗi, thả vào trứng của phụ nữ khác có ty thể lành. Phôi tạo ra sẽ không có ty thể lỗi.
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Newcastle sẽ chuyển nhân phôi - phần nhân của hợp tử được tạo ra từ tinh trùng và trứng của một phụ nữ - vào trong trứng chưa thụ tinh của một phụ nữ khác.  

Kỹ thuật này nhằm ngăn không cho các gene bị bệnh ở ty thể của người mẹ thứ nhất truyền sang đứa bé (mà bà không trực tiếp sinh ra).

Ty thể là những cấu trúc phức tạp nhỏ, nằm ngoài nhân, tồn tại trong tất cả các tế bào của cơ thể, ngoại trừ hồng cầu. Chúng chịu trách nhiệm sản sinh năng lượng cho chúng ta sống và trưởng thành. Một đặc điểm duy nhất chỉ có ở ty thể là chúng chứa ADN riêng - còn gọi là ADN ty thể, chỉ truyền từ mẹ sang con.

Nếu ADN này bị lỗi, một bệnh liên quan đến ty thể sẽ xảy ra. Hiện tại, khoa học vẫn bó tay trước những căn bệnh này.

Nghiên cứu trên chuột cho thấy có thể ngăn chặn hiện tượng ty thể bệnh truyền từ mẹ sang con bằng cách tách phần nhân của trứng đã thụ tinh có ty thể lỗi, và thả nó vào một quả trứng chưa thụ tinh có ty thể lành (trứng của một con cái khác).

Giáo sư Doug Turnbull, từ Đại học Newcastle và cộng sự giờ đây đây sẽ tiến hành kỹ thuật trên ở người, nhằm thay thế ty thể bị khiếm khuyết bằng ty thể khỏe khỏe mạnh.

Những phôi "hai mẹ" không được phép phát triển thành em bé. Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tranh cãi về chúng.

Giáo sư John Burn, cũng từ trường Newcastle, nhấn mạnh thử nghiệm mới sẽ không dẫn đến những "em bé chọn lọc". "Từ quan điểm triết học và y học mà nói, chẳng có lý do gì để chúng ta không nên làm điều đó", ông nói. "Tôi sử dụng một hình ảnh tương tự như việc thay pin cho một chiếc radio để giải thích những điều chúng tôi đang làm. Bạn không hề thay hẳn chiếc radio đó, mà chỉ làm mới nguồn điện mà thôi".

"Nếu một em bé ra đời bằng kỹ thuật này, nó sẽ giống cha mẹ sinh học của mình hơn là người phụ nữ cho trứng có ty thể lành, vì các đặc điểm như màu tóc, chiều cao và cá tính là do ADN trong nhân quy định, chứ không phải ADN ty thể".

Tuy nhiên, các nhà đạo đức vẫn lo ngại về dự án này. Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ tại Viện y học sinh sản và khoa học ở St Barnabas, bang New Jersey thông báo năm 2001 họ đã thực hiện thành công kỹ thuật tương tự, cho ra đời 15 em bé khỏe mạnh, có vẻ không mắc lại bệnh của mẹ chúng.

T. An (theo ABConline, LiveScience)

  • 415