Sao chổi tiêu diệt “quái vật” thời kỳ băng hà

  •  
  • 4.364

Những khối đá từ không gian đâm vào những dòng sông băng ở phía Đông Canada khoảng 12.900 năm trước có thể đã tiêu diệt hoàn toàn loài voi mamut lông quăn khổng lồ, và cả loài người đầu tiên của lục địa này gọi là người Clovis, theo một nghiên cứu mới.

Bằng chứng mới trong nghiên cứu đến từ kim cương có kích thước rất nhỏ mới được phát hiện. Các nhà nghiên cứu cho biết đây là đầu mối rõ ràng nhất cho đến thời điểm hiện tại cho những tranh luận về sự biến mất trên diện rộng của các loài vật trong khu vực này cuối kỷ Pleitoxen. Các nhà khoa học từ lâu đã tranh luận về điều gì gây nên biến cố tuyệt chủng khủng khiếp này, khiến ¾ các loài động vật lớn thời kỳ băng hà của Bắc Mỹ cùng giống người Clovis hoàn toàn biến mất. (Người Clovis là một nhóm người thời kỳ đồ đá mới đến cư ngụ tại lục địa này).

Cho đến ngày nay, hai giải thích chính – lạm dụng săn bắn của con người và thay đổi khí hậu – không đủ để gây ra một biến cố lớn như vậy. Nhưng thêm vào vụ va chạm với sao chổi thì cả 3 yếu tố cộng lại sẽ là lời giải thích hợp lý cho sự tuyệt chủng trên diện rộng như vậy, Allen West thuộc Công ty tư vấn GeoScience tại Arizona cho biết.

West nói: “Không có cách nào để biết được vai trò của từng yếu tố trên trong thảm họa này. Tuy nhiên chúng tôi khá chắc chắn rằng cả 3 yếu tố này đều có tác động nhất định – va chạm với sao chổi, thay đổi khí hậu và con người”.

Khả năng va chạm với sao chổi không phải là một ý tưởng mới. Các nhà khoa học đã báo cáo về việc tìm thấy bằng chứng về sao chổi ví dụ như kim cương nano, một dạng cácbon giống như thủy tinh, và nguyên tố Iridi rất hiếm trên Trái Đất. Nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện thấy kim cương sáu cạnh. Những kim cương nano lonsdaleite này chỉ được tìm thấy trong thiên thạch hoặc các miệng va chạm.

“Lonsdaleite hình thành dưới nhiệt độ và áp suất rất cao, phù hợp với một vụ va chạm từ vũ trụ,” Douglas Kennett, một nhà khảo cổ học thuộc Đại học Oregon, cho biết. “Những kim cương này chỉ được tìm thấy trong thiên thạch và các miệng hố va chạm trên Trái Đất, và là chỉ dấu rõ ràng về một vụ va chạm vũ trụ”.

Phát hiện kim cương

Nhóm nghiên cứu phát hiện loại kim cương nhỏ bé này sâu 13 feet trong lớp trầm tích tại Arlington Canyon, nằm trên hòn đảo Santa Rosa. Hòn đảo này đã từng nối liền với 3 đảo khác ngoài khơi Nam California trong khu vực gọi là Santarosae.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy kim cương sáu cạnh ở một số địa điểm khác tại Bắc Mỹ và châu Âu.

Voi mamut lông quăn thường bị nhầm với voi răng mấu. Cả hai loài động vật này thuộc bộ Proboscidea, nhưng voi mamut lớn hơn và có ngà cong chứ không phải thẳng. (Ảnh: Stockxpert)

Từ bằng chứng kim cương và các vật liệu khác, các nhà nghiên cứu đưa ra lời giải thích mới về biến cố kể trên: Một hoặc một vài vật thể giống sao chổi với chiều rộng khoảng 1 dặm (2 km) đã đâm vào Canada. Những sao chổi này có lẽ đã đâm xuống với một góc xiên, thổi bay một lượng băng lớn – điều này giải thích tại sao các nhà khoa học chưa tìm được miệng va chạm.

Vụ va chạm này gây ra một đợt cháy rừng trên diện rộng, với sự hỗ trợ của bồ hóng được tìm thấy trong khu vực này tại Santa Rosa và các nơi khác trên Bắc Mỹ. Cháy rừng với quy mô lớn như vậy đã tiêu diệt những quần động vật lớn và con người.

Tác động của sao chổi có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài voi mamut lùn từ Quần đảo phía Bắc, các nhà nghiên cứu cho biết

Khí hậu lạnh dần

Tác động lâu dài sau đó có thể đã tiêu diệt hầu hết những kẻ sống sót.

West cho biết: “Một vụ nổ như vậy của một sao chổi sẽ giải phỏng rất nhiều hơi nước (sao chổi được hình thành từ băng), vì vậy nó sẽ tạo ra rất nhiều mây che phủ toàn bộ bán cầu Bắc. Điều này sẽ khiến thời tiết lạnh đi rất nhanh”.

Thêm vào đó, cháy rừng cũng giải phóng vào khí quyển bụi, bồ hóng, hơi nước, và oxit nitric. Kết quả sẽ là sự lạnh nhanh của khí hậu

Trên thực tế, West và các đồng nghiệp cho rằng vụ va chạm này cũng tạo ra một giai đoạn thời tiết lạnh gọi là Younger Dryas.

West phát biểu trên LiveScience: “Nó cũng giống như việc bạn sống tại Miami và đột nhiên trong vòng 1 năm khí hậu thay đổi thành Montreal, Canada. Điều này có nghĩa rằng cây cọ không thể mọc được."

Thực vật thích nghi với khí hậu ấm hơn chết dần, khiến nguồn thức ăn của những loài vật khổng lồ cạn kiệt

West và các đồng nghiệp vẫn đang cố gắng tìm hiểu chính xác sự hình thành của kim cương nano sáu cạnh và các loại kim cương khác được tim thấy trong lớp trầm tích 12.900 năm tuổi.

Các nhà nghiên cứu nhận đỉnh rằng va chạm ở áp suất và nhiệt độ cao đã chuyển hóa graphite trên Trái Đất thành kim cương sáu cạnh. Thêm vào đó, một lượng băng cácbon dioxit bên trong sao chổi có thể đã chuyển hóa thành kim cương nano.

Quỹ khoa học quốc gia là nguồn tài trợ chính cho nghiên cứu. Nghiên cứu được công bố chi tiết trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences số tuần này.

G2V Star (Theo LiveScience)
  • 4.364