Sao Kim giống trái đất hơn người ta tưởng

  •  
  • 2.199

Tàu thăm dò Venus Express đã phát hiện vài đặc điểm của sao Kim giống trái đất hơn nhiều so với quan niệm trước đây của các nhà khoa học, ngay cả những tia chớp mà theo lý thuyết là không thể có.

Sao Kim là hành tinh gần gũi với trái đất nhất cả về kích cỡ, khối lượng, khoảng cách và thành phần hoá học. Nhưng trong khi trái đất là thiên đường của sự sống, thì sao Kim được mô tả như một địa ngục điển hình, với bầu khí quyển đầy mây mù cấu thành từ axit sunfuaric, bao phủ trên một bề mặt sa mạc đá cứng, nóng đến mức có thể làm tan chảy cả chì.

Chuyến bay của tàu Venus Express mà Cơ quan vũ trụ châu Âu phóng đi năm 2005 giờ đây đang tiết lộ cho chúng ta biết bằng cách nào sao Kim đã trở thành một thế giới chết, và dù thế nào nó cũng vẫn giống với trái đất ra sao.

Các lý thuyết trước kia vẫn cho rằng những đám mây trên sao kim giống với các đám mây mù trên trái đất, và không phát ra tia chớp. Tuy nhiên, tàu Venus Express đã phát hiện thấy những "tiếng huýt gió" - những sóng radio tần số thấp kéo dài một phần giây và được xem là phát ra từ những vụ phóng điện.

"Chúng tôi xem đây là bằng chứng dứt khoát đầu tiên về sự có mặt của chớp trên sao Kim", nhà nghiên cứu David Grinspoon nói. Ông cũng ngoại suy rằng có khoảng 50 chớp sáng sinh ra trên hành tinh này mỗi giây, bằng khoảng một nửa trên trái đất.

Tàu thăm dò Venus Express
Tàu thăm dò Venus Express (Ảnh: uk2planets.org.uk)

Chính là sét đã làm thay đổi thành phần hoá học trên trái đất - chúng tạo ra ôzone và các thành phần như nitơ ôxit - vì thế các nhà nghiên cứu phỏng đoán chớp cũng có ảnh hưởng tương tự trên sao Kim.

Tàu Venus Express cũng tìm thấy những xoáy mây trên hai cực của sao Kim, tương tự như những xoáy mây xuất hiện trên hai cực trái đất trong mùa đông, mặc dù chúng lớn hơn và nhiều năng lượng hơn. Ngoài ra, chuyến bay cũng mở ra ánh sáng mới về sự tương đồng giữa hai hành tinh. Chẳng hạn, trong quá khứ xa xưa, sao Kim cũng từng có các đại dương, song bề mặt nóng khô của nó không cho phép nước tồn tại.

Sao Kim không có từ trường mạnh như ở trái đất, nghĩa là ánh mặt trời có thể phá huỷ nước thành hydro và ôxy, và sau đó chúng dễ dàng thoát ra khỏi bầu khí quyển. Các nhà khoa học từng nhìn thấy hydro bay khỏi sao Kim, nhưng giờ đây họ cũng thấy ôxy đang tách ra.

"Tìm hiểu tốc độ thất thoát ôxy và hydro sẽ giúp chúng tôi dựng lại sao Kim từng có bao nhiêu nước trong lịch sử. Ít nhất, nó đã bị bốc hơi một lượng nước bằng cả đại dương trên trái đất chúng ta", Grinspoon nói. 

Sao kim
Sao kim (Ảnh: Nasa)

T. An

Theo SPACE.com, Vnexpress
  • 2.199