Say rượu vẫn bay vào vũ trụ

  •  
  • 331

Thứ Sáu 27/7, Ban lãnh đạo NASA thừa nhận ít nhất đã có 2 trường hợp phi hành gia Mỹ say rượu vẫn được phép bay vào vũ trụ.

Người đứng đầu Ủy ban Y tế độc lập của NASA - đại tá không quân Richard Bachmann cho biết: “Một người được phép bay lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS trên con tàu “Soyuz” của Nga. Người kia được phép bay trên tàu con thoi của Mỹ”. Richard Bachmann nói thêm, trong trường hợp thứ hai, chuyến bay bị bãi bỏ do nguyên nhân kỹ thuật còn trong trường hợp thứ nhất, phi hành gia say rượu vẫn thực hiện chuyến bay như không có chuyện gì xảy ra.

Theo thông báo của NASA, cả hai vụ vi phạm trên đều bị các thành viên Ủy ban chuẩn bị chuyến bay bỏ qua. Dù vậy, NASA không có ý định nêu tên tuổi những phi hành gia cũng như ngày tháng chính xác của các chuyến bay kể trên. Tuy nhiên, đại diện NASA thừa nhận mức độ say đủ để gây nguy hiểm cho chuyến bay.

(Ảnh: Wlbz2)Việc các phi hành gia Mỹ sử dụng rượu trước khi bay được dư luận biết đến sau khi Ủy ban Y tế do chính phủ Mỹ thành lập công bố kết quả điều tra nhân vụ xìcăngđan xảy ra với nữ phi hành gia Lisa Novak vào hồi tháng 2 năm nay.

Trong vụ này, Lisa Novak bị bắt vì đã âm mưu bắt cóc và thậm chí sát hại tình địch của mình, kết quả là đến tháng 3, cả Novak lẫn người tình của cô đều bị sa thải khỏi đội ngũ phi hành gia Mỹ.

Theo ý kiến các chuyên gia, xảy ra những sự việc đáng tiếc nói trên là do Ban lãnh đạo NASA đã buông lỏng chức năng giám sát, để các phi hành gia Mỹ vi phạm lệnh cấm uống rượu trong vòng 12 tiếng đồng hồ trước chuyến bay. Rất có thể không chỉ có 2 trường hợp như đã nêu ở trên.

Trước tình hình đó, Tiểu ban khoa học và kỹ thuật của Hạ viện Mỹ đã quyết định tổ chức những cuộc điều trần đặc biệt và công khai về vấn đề này vào tuần đầu tháng 9 tới, ngay sau khi Hạ viện kết thúc đợt nghỉ hè tháng 8.

Thông cáo báo chí của Chủ tịch Tiểu ban nói trên là Bart Gordon nêu rõ: “Say rượu sau tay lái bao giờ cũng là một hành động xấu, và nếu phương tiện di chuyển lại là tàu con thoi trị giá vài tỷ dollars thì càng không thể chấp nhận được”.

Đồng thời, Giám đốc NASA Michael Griffin cũng ra quyết định thành lập một Ủy ban Y tế gồm các bác sĩ, nhà tâm lý, nhà luật học, chuyên gia về an ninh và một vài phi hành gia để chuẩn bị một bản báo cáo riêng về những vụ vi phạm kỷ luật trong hàng ngũ NASA.

Chưa ai rõ kết quả cuộc điều trần tại Hạ viện và nội dung bản báo cáo sắp tới của NASA sẽ ra sao. Rất có thể thanh danh của NASA vì thế sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và sự nghiệp của một số nhân vật sẽ bị “nửa chừng đứt gánh”.

Vũ Việt

Theo báo chí Nga, Tiền Phong
  • 331