Sinh non có thể do vi khuẩn

  •  
  • 440

Một nghiên cứu mới của Mỹ phát hiện, nguyên nhân chính của hiện tượng sinh non, trong đó sản phụ bị vỡ ối quá sớm, kích thích việc chuyển dạ, có thể là do một số loại vi khuẩn nhất định.

Theo tạp chí PLOS ONE, việc rách, vỡ sớm các lớp màng tạo thành túi ối trước khi thai nhi đạt tới giai đoạn phát triển đủ ngày, đủ tháng (PPROM) dẫn đến gần 1/3 số ca sinh non trên toàn thế giới.

Các nhà nghiên cứu đến từ Trường Y, Đại học Duke (Mỹ) đã tiến hành kiểm tra mẫu màng ối của 48 phụ nữ vừa sinh nở, bao gồm cả những sản phụ có triệu chứng PPROM, những người sinh non vì các lí do khác và những sản phụ đẻ con đủ ngày, đủ tháng. Họ phát hiện, vi khuẩn tồn tại ở tất cả các màng ối, nhưng các lớp màng càng mỏng thì số lượng vi khuẩn hiện diện càng nhiều, đặc biệt ở những phụ nữ bị vỡ màng ối sớm.

Sinh non có thể do vi khuẩn
Sinh non có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe của mẹ và con.

Nhóm nghiên cứu nhận định, số lượng vi khuẩn tập trung cao ở điểm nứt vỡ túi ối có liên quan đến việc các màng ối bị mỏng. Nếu vi khuẩn là nguyên nhân, thay vì hậu quả của việc vỡ màng ối sớm, giới nghiên cứu có thể phát triển các phương pháp điều trị hoặc sàng lọc sớm đối với những phụ nữ có nguy cơ sinh non cao.

Giáo sư sản - phụ khoa Amy Murtha, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích: "Chẳng hạn như, nếu chúng ta nghĩ, một số loại vi khuẩn nhất định gắn liền với việc nứt vỡ màng ối sớm, chúng ta có thể sàng lọc sớm những vi khuẩn đó ở đầu thai kỳ. Chúng ta cũng có thể chữa trị cho những phụ nữ bị ảnh hưởng bằng thuốc kháng sinh và giảm nguy cơ bị PPROM của họ".

Bình luận về nghiên cứu trên, tiến sĩ Patrick O'Brien đến từ trường Cao đẳng sản - phụ khoa Hoàng gia Anh nói, đây là công trình đã giúp chúng ta hiểu hơn về nguyên nhân gây sinh non. Từ lâu, giới nghiên cứu đã nghi ngờ và biết rằng, việc nhiễm khuẩn là căn nguyên dẫn đến tình trạng PPROM ở một số phụ nữ. Ông cho rằng, điều các chuyên gia thực sự muốn hiện nay là biết rõ chi tiết về cơ chế gây vỡ ối của vi khuẩn.

Theo Vietnamnet, BBC
  • 440