Sinh vật tại vùng biển sâu nhất hành tinh cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi con người

  •  
  • 2.722

Những địa điểm dưới đại dương sâu thẳm vốn được xem là an toàn, nguyên sơ nhất hóa ra lại chịu ảnh hưởng tương đối lớn.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, loài người đã làm quá nhiều việc tổn hại đến môi trường tự nhiên. Duy chỉ có đáy biển vẫn luôn được xem là vùng nguyên sơ, chưa chịu tác động tiêu cực từ con người.

Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là chúng ta đã nhầm. Một nghiên cứu mới đây từ ĐH New South Wales (Úc) đã cho thấy những loài sinh vật sống ở khu vực sâu nhất đại dương đang bị nhiễm độc PCB (polychlorinated biphenyls) - loại độc chất đã bị cấm từ những năm 1970.

Sinh vật tại nơi sâu nhất hành tinh cũng bắt đầu nhiễm độc.
Sinh vật tại nơi sâu nhất hành tinh cũng bắt đầu nhiễm độc.

Cụ thể, PCB với nồng độ lớn đã được tìm thấy ở độ sâu hơn 10km về phía vực Mariana tại Thái Bình Dương. Khoảng cách từ khu vực này đến vùng đất liền gần nhất là Nhật Bản lên tới 1300km.

Chưa hết, khu vực rãnh Kermadec sau 10km nằm cách New Zealand 1500km về phía Bắc cũng cho thấy hiện tượng tương tự. Theo tiến sĩ Alan Jamieson - chủ nhiệm nghiên cứu: "Việc tìm thấy một lượng lớn độc chất ở những vùng quá xa và gần như không thể đụng tới trên Trái đất cho thấy tác động của con người đang bị đánh giá quá thấp. Rõ ràng di sản mà chúng ta để lại cho thế hệ sau không phải là điều đáng mừng".

"Chúng ta vẫn nghĩ vùng đáy biển là nơi nguyên sơ, an toàn với tác động từ con người, nhưng nghiên cứu của chúng tôi lại chỉ ra rằng điều đó không còn đúng nữa".

Rãnh Mariana và Kermadec - 2 vùng biển.
Rãnh Mariana và Kermadec - 2 vùng biển.

Theo các chuyên gia, độc chất đã lan rộng đến nỗi các sinh vật phù du tại đây cũng đã bị nhiễm độc, với nồng độ thậm chí là tương ứng với sinh vật tại vịnh Suruga, Nhật Bản. Đó là nơi được ví là "khu vực kinh tế bị ô nhiễm nặng nhất tại Tây Bắc Thái Bình Dương".

Được biết, PCB được xếp vào nhóm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP), vốn được sử dụng làm vật liệu cách điện và chống cháy nổ. Do độc tính quá mạnh, PCB đã bị cấm vào năm 1970, nhưng tổng khối lượng được sản xuất từ năm 1930 đã vượt quá 1,3 triệu tấn.

Qua nhiều con đường, PCB đã rò rỉ vào tự nhiên, trong đó một lượng lớn rơi xuống các đại dương. Do bản chất khó bị phân hủy, hóa chất này gần như không suy chuyển sau hàng thập kỷ. Nó tích tụ trong chuỗi thức ăn, để rồi khi chạm đến đáy biển, nồng độ độc chất tại đây được đẩy lên mức cực cao.

Độc chất đã lan rộng đến nỗi các sinh vật phù du tại đây cũng đã bị nhiễm độc.
Độc chất đã lan rộng đến nỗi các sinh vật phù du tại đây cũng đã bị nhiễm độc.

Theo tiến sĩ Katherine Dafforn từ ĐH New South Wales, tác giả một bài luận liên quan đến nghiên cứu: "Những khu vực biển dù nhiệt độ chỉ tầm 1 độ C, áp suất gấp 1000 lần bề mặt, nhưng có đời sống sinh vật khá phong phú. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những khu vực này đang chịu đe doạ từ con người, mà cụ thể là ô nhiễm môi trường".

Tiến sĩ cho biết, nồng độ của PCB trong những sinh vật phù dù cao hơn mức thông thường, và thậm chí tỉ lệ nhiễm độc còn lớn gấp 50 lần loài cua tại những con sông ô nhiễm nhất của Trung Quốc.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những khu vực này đang chịu đe doạ từ con người, mà cụ thể là ô nhiễm môi trường.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những khu vực này đang chịu đe doạ từ con người, mà cụ thể là ô nhiễm môi trường.

"Nghiên cứu cho thấy khu vực đáy biển rõ ràng có mối liên hệ mật thiết với bề mặt nước, dù chúng có xa đến đâu. Điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta cần phải biết những gì mình ném xuống nước có tác động nguy hại đến thế nào" - tiến sĩ bổ sung.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology and Evolution.

Cập nhật: 14/02/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.722