Sử dụng vệ tinh theo dõi ven biển Nam Bộ

  •  
  • 286

Từ 1 đến 4-11, nhiều cơ quan khoa học tại TP Hồ Chí Minh đã tham dự hội thảo về Mô hình và Hệ Thông tin Đại dương trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thứ 16 để trao đổi khả năng triển khai dự án Ứng dụng Công nghệ Dữ liệu ảnh Vệ tinh FORMOSAT-2 vào các vùng ven biển Nam bộ, kéo dài từ 2006 - 2008.

Dự án trên nhằm triển khai ứng dụng công nghệ dữ liệu ảnh vệ tinh FORMOSAT-2 vào việc đánh giá ô nhiễm ven biển do tràn dầu và nguồn thải bẩn từ đất liền.

Đồng thời dự án còn giúp quy hoạch và quản lý rừng ngập mặn và du lịch sinh thái, lập mô hình sóng-dòng chảy và lan truyền ô nhiễm ven bờ biển, quan trắc khí tượng thủy văn biển, giám sát thiên tai ven biển, đặc biệt là vấn đề xói lở bờ biển, góp phần nâng cao chất lượng các môn học liên quan trong đào tạo đại học.

Địa bàn triển khai ứng dụng là vùng ven biển Nam bộ, Cần giờ-TP Hồ Chí Minh và những vùng lân cận mà vệ tinh FORMOSAT-2 có thể cung cấp dữ liệu.

FORMOSAT - 2 đã chụp được ảnh đảo Phuket, Thái-lan vào ngày 29-12-2004, sau khi bị đợt sóng thần Sumatra tàn phá

Hình ảnh về vùng biển Nam Bộ sẽ được FORMOSAT-2 được cung cấp hàng ngày. Những hình ảnh này sẽ có độ phân giải cao 2m đối với ảnh đen-trắng hoặc 8m đối với ảnh màu, với băng quét 24km. Đây là ảnh vệ tinh thương mại, có giá 1 USD/km2.

Việc triển khai ứng dụng dữ liệu vệ tinh của dự án trên là vấn đề cấp thiết của thực tiễn ven biển Nam Bộ, nhất là đối với TP Hồ Chí Minh và vùng Cần Giờ. Đây là nơi vừa là rừng sinh thái ngập mặn quốc gia, vừa là khu du lịch sinh thái. Ngoài ra khu vực này còn bị tác động ô nhiễm do các quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa từ các tỉnh thành trên lưu vực Sài Gòn-Đồng Nai và bị ô nhiễm do tràn dầu loang từ thuyền bè ra vào các bến cảng trong lưu vực. Có được dữ liệu vệ tinh, như FORMOSAT-2, là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu về những vấn đề vừa nêu.

Trong mong muốn ứng dụng dữ liệu vệ tinh để góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể ở ven biển Nam Bộ, nhiều đơn vị nghiên cứu ở phía Nam của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam như: Phân Viện Vật lý, Phân Viện Địa lý, Phân Viện Công nghệ Thông tin, Viện Sinh học Nhiệt đới đang tiến hành các thủ tục cần thiết để tham gia trực tiếp dự án này.

Tại Hội nghị Quốc tế về “Sử dụng Công nghệ Vũ trụ trong Giám sát Thiên tai”, do Văn phòng LHQ về Các Vấn đề Vũ trụ (United Nations Office for Outer Space Affairs -UNOOSA), tổ chức từ 18 đến 22-10-2004 tại Munich, với hơn 70 báo cáo của 50 nước trên thế giới, đã thừa nhận việc ứng dụng công nghệ vệ tinh là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong dự báo khí tượng thủy văn, theo dõi và phòng tránh thiên tai, giám sát môi trường, quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên, v.v..

Tuy nhiên, do đầu tư kinh phí cho dữ lịệu vệ tinh có độ phân giải dưới một vài mét là rất đắt nên tại Hội nghị Munich các nước đang phát triển đã đề nghị được chia sẻ từ các nước phát triển để sử dụng với chi phí chấp nhận được. Đáp ứng nhu cầu này, Ban Thư ký APEC đã phê duyệt dự án hỗ trợ dữ liệu ảnh vệ tinh FORMOSAT-2 cho các nền kinh tế thành viên có nhu cầu.

Theo Nhân Dân
  • 286