Sự thật bất ngờ về thứ cặn "siêu bẩn" trong rốn mà không phải ai cũng có

  •   3,84
  • 10.034

Chỉ một số người có thứ cặn bẩn này trong rốn, và thực ra thành phần của nó cũng đủ để khiến bạn bất ngờ.

Chắc hẳn đã có rất nhiều bạn cảm thấy khá là... bức bối, khi lỗ rốn của mình thi thoảng lại xuất hiện những cặn bẩn trông rất kỳ cục như hình dưới đây.


Cặn bẩn này thực chất hình thành từ bông vải.

Những cặn bẩn đó thực chất được hình thành từ... bông vải. Có điều, không phải ai cũng có "diễm phúc" xuất hiện bông vải trong rốn, mà chỉ những người có cấu tạo "đặc biệt" thôi.

Lông bụng – một trong những lý do hàng đầu tạo ra sự hình thành các sợi bông vải

Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Karl Kruszelnicki từ ĐH Sydney (Úc), hiện tượng xuất hiện bông vải trong rốn xuất hiện chủ yếu ở nam giới ở độ tuổi trung niên với một mật độ lông tương đối dày trên cơ thể.

Để đưa ra kết luận này, Kruszelnicki đã khảo sát để khoanh vùng những người có hiện tượng này. Bên cạnh đó, ông còn tiến hành thu một số mẫu bông vải trong rốn của các tình nguyện viên và yêu cầu một số người cạo hết số lông bụng ở xung quanh rốn.

Kết quả cho thấy, việc cạo sạch lông bụng đã làm giảm hoàn toàn sự tích tụ các sợi bông vải ở trong rốn của một số tình nguyện viên.

Vải trong rốn xuất hiện chủ yếu ở nam giới ở độ tuổi trung niên với một mật độ lông tương đối dày trên cơ thể.
Vải trong rốn xuất hiện chủ yếu ở nam giới ở độ tuổi trung niên với một mật độ lông tương đối dày trên cơ thể.

Kruszelnicki cho rằng, trong quá trình vận động hàng ngày của con người, những sợi lông bụng đã ma sát với lớp vải của áo, dẫn đến việc sợi bông rụng dần, lọt vào trong rốn.

Kruszelnicki không phải là người duy nhất quan tâm đến hiện tượng này. Năm 2009, một nhà nghiên cứu công nghệ có tên Georg Steinhauser thuộc trường ĐH Vienna (Áo) cũng đã có cho mình những bằng chứng thuyết phục để đưa ra các kết luận tương tự Kruszelnicki.

Cạo lông bụng đi là hết.
Cạo lông bụng đi là hết.

Để phục vụ quá trình nghiên cứu, Steinhauser đã tự đưa mình ra làm vật thí nghiệm. Ông thu thập những sợi bông vải trong bụng mình vào mỗi buổi sáng, liên tục trong 3 năm. Theo Steinhauser, sợi bông trong rốn không hình thành do ở bẩn, nên cho dù bạn có tắm 10 lần/ngày hiện tượng này vẫn sẽ diễn ra.

Và cũng như Kruszelnicki, Steinhauser đã kết luận thủ phạm đầu cơ tích trữ bông vải trong rốn người chính là những sợi lông bụng.

Những sợi lông bụng hoạt động như những chiếc móc, kéo sợi bông vải lại rồi cất luôn trong rốn. Giả thuyết này mau chóng được xác thực khi sau mỗi ngày, những sợi bông vài được Steinhauser lấy ra có màu giống với chiếc áo đã mặc của ngày hôm trước.

Bí mật đằng sau những sợi bông vải trong rốn

Không chỉ dừng lại sau khi tìm ra "thủ phạm" đưa sợi bông vải vào rốn, Steinhauser còn nghiên cứu và phân tích những thành phần hóa học trong những sợi bông này.

Trong một lần sưu tập sợi bông vải từ một tình nguyện viên mặc một chiếc áo được xác định 100% cotton, Steinhauser rất bất ngờ khi trong số những sợi bông vải còn có chứa nhiều hợp chất khác: bụi, da chết, chất béo, protein, và... cặn bẩn của mồ hôi.

Trên cơ sở này, ông đã lý luận rằng những sợi bông vải có trong rốn sẽ có thể đóng vai trò như một dụng cụ hút vi khuẩn và chất bẩn, giúp cho chúng ta có một lỗ rốn sạch hơn so với người thường.

Sợi bông vải có trong rốn sẽ có thể đóng vai trò như một dụng cụ hút vi khuẩn.
Sợi bông vải có trong rốn sẽ có thể đóng vai trò như một dụng cụ hút vi khuẩn.

Lý luận của Steinhauser đã được chứng minh cụ thể hơn bởi nghiên cứu của Rob Dunn, từ ĐH Bắc Carolina, Mỹ. Dunn cùng các đồng nghiệp đã thu thập 500 mẫu bông vải, nhưng những gì và các đồng nghiệp quan tâm không phải sợi bông vải mà là hệ thống các vi sinh vật có trong đó.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, trong các mẫu bông vải có chứa khoảng 2368 loài vi sinh vật, và nhiều loài trong số đó hiện vẫn chưa được xác định.

Tóm lại, hiện chúng ta đã biết rằng những sợi bông vải trong rốn người đúng là rất bẩn, nhưng lại rất tốt cho cơ thể. Vì mỗi lần ta gắp những sợi bông này ra, vi khuẩn và cáu ghét cũng theo sợi bông này mà ra khỏi cơ thể.

Do đó, hãy tự cảm thấy may mắn nếu lỗ rốn của bạn có những sợi bông như vậy đi.

Cập nhật: 28/05/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 3,84
  • 10.034