Sự thật về “ma trận đau” trong não người

  •  
  • 2.180

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Đại học College London (UCL) và Đại học Reading (Anh) đã đặt mối nghi ngờ vào giả thuyết trước đây về cách con người trải qua đau đớn.

Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã quét bộ não của các tình nguyện viên khi họ đang chịu đựng sự đau đớn và phát hiện có những phần của bộ não "sáng lên". Từ kết quả đó, khái niệm "ma trận đau" ra đời và được chấp nhận rộng rãi.

"Ma trận đau" là các vùng não xử lý cảm giác đau đớn - một mô hình cụ thể của hoạt động não được các nhà khoa học coi là một chỉ số đáng tin cậy của sự đau đớn.

Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu mới đã làm dấy lên mối nghi ngờ về sự tồn tại của "ma trận đau". Các nhà khoa học tìm được hai người ở trong tình trạng hiếm gặp khiến họ không thể cảm thấy đau đớn, cùng với bốn tình nguyện viên hoàn toàn khỏe mạnh. Những người này xấp xỉ tuổi nhau.

Nguồn gốc cảm giác đau đớn chưa được sáng tỏ hoàn toàn.
Nguồn gốc cảm giác đau đớn chưa được sáng tỏ hoàn toàn. (Ảnh: Bigtreehealing).

Mỗi người tham gia được tiếp xúc với sự đau đớn trong khi các nhà khoa học theo dõi bộ não của họ thông qua hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) - phương pháp chụp lại hình ảnh chức năng thần kinh bằng công nghệ cộng hưởng từ (MRI) để đo hoạt động của não bằng cách phát hiện những thay đổi liên quan đến lưu lượng máu.

Kỹ thuật này dựa trên nguyên lý: Lưu lượng máu não luôn đi cùng hoạt động của các tế bào thần kinh. Nghĩa là khi một khu vực của não bộ đang hoạt động, lưu lượng máu đến khu vực đó cũng tăng lên.

Kỳ lạ là não của những người không có cảm giác đau đớn hoạt động tương tự não của những người khỏe mạnh. Điều này chứng tỏ "ma trận đau" không tồn tại.

Tiến sỹ Tim Salomons (Đại học Reading) giải thích: "Bằng cách kiểm tra những người không có cảm giác đau đớn, chúng ta có thể khẳng định rằng hoạt động của các vùng não xử lý cảm giác đau đớn - được gọi là "ma trận đau" - không phải là phản ứng đau cụ thể, bởi những người này vẫn giữ lại tất cả các giác quan khác, bao gồm cả cảm giác không đau đớn".

"Ma trận đau" có thể là một tác nhân gây đau đớn, cũng có thể liên quan tới quá trình đau đớn, thật sai lầm khi tạo mối liên hệ rõ ràng giữa mô hình và cảm giác đau đớn.

Theo Giáo sư John Wood thuộc UCL, phát hiện của nhóm nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không kết hợp sự tương quan với kết quả. "Cũng giống như cảm nhận cái đẹp hay hạnh phúc, hiện tại vẫn khó nắm bắt vị trí chính xác của cảm giác đau trong não".

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học JAMA Neurology này có thể phá vỡ giả thuyết về "ma trận đau", nhưng nó góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc thực sự của cảm giác đau đớn.

Cập nhật: 09/05/2016 Theo khoahocphattrien
  • 2.180