Sức chịu đựng vô hạn của con người

  •   33
  • 4.733

Đôi khi, khả năng chịu đựng những chấn thương và nỗi đau của con người là vô tận, cứ tưởng là không thể nào vượt qua, nhưng ta lại chiến thắng nó một cách kỳ lạ.

Năm 1983, cô Kimberly Lotti, 18 tuổi, bất thần đâm chiếc xe tải nhỏ vào hàng rào dây thép gai ở Quincy, bang Massachusetts, Mỹ. Một chiếc cột kim loại đường kính 5cm đâm qua kính chắn gió và cắm xuyên qua ngực cô... Lotti vẫn tỉnh táo trong lúc các nhân viên cứu hộ cưa đầu của chiếc cột ăn sâu nhiều phân vào người. Phần còn lại được lấy ra ở bệnh viện.

Năm 1985, tay lái xe môtô Richard Topps ở Debyshire (Anh) va vào một chiếc xe môtô, bị hất tung lên không trung và bị đâm xuyên qua người từ ngực xuống hông trên một chiếc cột - nơi anh treo lủng lẳng vô vọng trong hơn một giờ đồng hồ, rồi sau đó mới được người anh tìm ra.

Cả Lotti và Topps đều may mắn: Các cơ quan nội tạng của họ không bị thương tổn. Năm 1987, một người đàn ông ở bang Colorado bị rơi từ cửa sổ xuống đất và phải chịu thương tổn nhiều hơn. Một chiếc cột kim loại đâm xuyên qua bụng, thấu đến tim. May mắn thay, những người cứu hộ quyết định rằng, tốt nhất là không nên rút cây cột ra, vì nó có tác dụng không cho máu phun ra. Tim ông vẫn đập đều đặn. Các bác sĩ phẫu thuật đã chữa những thương tổn.

Ngạc nhiên hơn là trường hợp của Forthman Murff, một người xẻ gỗ, 74 tuổi, ở bang Mississippi. Năm 1984, một nhánh cây đổ làm ông té ngửa ra sau và rơi vào chiếc máy xẻ gỗ của chính mình. Lưỡi cưa cắt qua họng nhưng lại không đụng vào cột sống và động mạch. Murff vẫn tỉnh táo. Cứ vài phút, ông lại nghiêng người đổ máu từ phổi ra để thở và tự lái xe nhiều dặm đến một bệnh viện cách đó một giờ đi đường. Những bác sĩ khâu cho ông không thể tin vào mắt mình: Cổ của ông gần như bị đứt rời.

Nhưng có lẽ các bạn sẽ không tin nổi khi nghe một em bé mới chỉ biết bò bị bỏ rơi mà vấn sống khi trong mùa đông giá rét trong 10 ngày như câu chuyện sau.

Sau trận cãi nhau kịch liệt với chồng, Natalia Galimova đùng đùng mang con gái Karina còn đang ở độ tuổi tập đi, ra ga bỏ về nhà chị gái ở Kurgan.

Người mẹ trẻ bị lỡ chuyến tàu ngày, buộc phải chờ chuyến tàu đêm sau 8 tiếng nữa mới có. Để giết thời gian và giải sầu, Galimova chui vào quán bar của nhà ga và gọi một chai vodka bự.

Thấy cô gái trẻ ngồi độc ẩm, một nhóm thanh niên bộ dạng bất hảo ghé vào ngồi cùng bàn. Không khí tưng bừng hẳn. Karina bị mẹ đặt trên chiếc ghế bành, cách đó không xa, rất ngoan, tha thẩn chơi một mình.

Nó đói, nhưng chẳng dám kêu ca. Thỉnh thoảng bé lại nhìn về phía bàn nhậu bằng đôi mắt cầu khẩn. Một chị phục vụ thương tình ném cho nó mấy mẩu bánh ngọt. Rồi ai làm việc nấy, đến lúc nhìn lại thì chiếc ghế đã trống trơn, chẳng biết con bé bỏ đi từ lúc nào.

Chị phục vụ hỏi người mẹ: “Con gái chị đâu rồi?”. Galimova đưa cặp mắt say lờ đờ nhìn chung quanh rồi phẩy tay một cách bất cần và vô cảm. Cuộc nhậu tiếp tục. Galimova chỉ nhớ đến con gái khi bị vứt như một nắm giẻ lau ngoài sân ga.

Cô ta gào lên: Kara ! Kara ! Tiếng gọi giận giữ và lạnh lùng khiến những hành khách chờ tàu nghĩ cô đang tìm một con chó. Không biết đấy là tên gọi tắt của Karina.

Một số người tốt bụng dìu Galimova vào đồn công an. Ở đây cô ta viết đơn trình báo việc con mình bị thất lạc rồi lên tầu về Kurgan. Số phận của đứa con gái, cô ta không bao giờ hỏi đến nữa.

Trái ngược với thái độ vô cảm của người mẹ, cơ quan công an vùng Cheliabinsk đã cử những cán bộ giỏi nhất tham gia tìm kiếm bé gái. Họ đã sục sạo tất cả các ngõ ngách, thậm chí vào cả các lều trại của người di-gan nhưng chẳng thấy cô bé đâu.

Một tuần trôi qua.

Các nhân viên điều tra đi đến kết luận: Karina đã bị bắt cóc và đưa sang vùng khác, thậm chí đã bị đưa ra nước ngoài. Không loại trừ khả năng, cháu rơi vào bàn tay của các bác sĩ “đen” chuyên buôn bán khí quản trẻ em. Bà nội và cha của bé cũng không còn hy vọng tìm thấy con cháu mình, bởi vì có người quả quyết đã nhìn thấy một cô con bị một chiếc xe tải chẹt chết.

Ngày thứ 10 của cuộc tìm kiếm.

Cônxtantin Sobolev là cộng tác viên của một trạm cảnh sát giao thông, đang trên đường trở về nhà sau một ngày làm việc. Mới đi khỏi nhà ga chừng 200m, ông bỗng nhận ra trong bóng đêm, cách khoảng 20 bước chân, trên nền đường nhựa có một sinh vật kỳ quái nào đó đang chuyển động rất chậm. Nhìn kỹ thì thấy hao hao giống một em bé đang ngồi. Thấy sởn gai ốc, Sobolev vội rảo chân.

Đến gần, ông nhận ra, vật bẩn thỉu ấy quả nhiên là một đứa trẻ. Bé mặc một bộ áo liền quần rách bươm, bẩn thỉu và ẩm ướt. Mũ áo tuột khỏi đầu, và mái tóc đẫm nước. Bé đang bị lạnh cóng, những ngón tay bé bỏng tê dại gần như hóa đá.

Sobolev chìa tay về phía bé nhưng cháu bé gần như không có phản ứng gì. Thế nhưng từ cái miệng nhợt nhạt, bé xíu vẫn có thể thốt lên ba tiếng “Karina”. Sobolev ứa nước mắt, bế xốc bé lên.

Năm phút sau, Karina được đưa tới trạm công an của nhà ga. Những người lớn xúm quanh cố đút cho em bé những thìa trà nóng và một chút bánh.

Đồn trưởng Leonchev cho biết: Căn cứ vào hiện trạng thì bé không hề bị đánh đập hay ngược đãi. Nhưng từ những vết rách trên tay áo và quần dài có thể đoán bé đã “dạo chơi” trong thành phố bằng cách bò đi. Những vết răng chó cắn để lại trên quần áo cho thấy, rất có thể bé đã phải ở cùng với lũ chó hoang trong vòng vài ngày.

Có lẽ bé đã không bị chết đói vì được ăn những thức ăn thừa của lũ chó. Còn vì sao lũ chó không ăn thịt bé thì chẳng ai biết được. Không thể hình dung bản năng sống mãnh liệt nào lại đưa bé quay trở lại nhà ga, nơi người mẹ nhẫn tâm đã bỏ rơi con mình. Một em bé mới biết bò, lang thang trong thành phố hơn 10 ngày, giữa tháng 11 giá lạnh mà vẫn tồn tại được, quả là một điều hiếm có trên đời.

Ngay sau đó, Karina được đưa vào bệnh viện. Bé phải nằm điều trị khoảng 2 tuần cho tới khi hoàn toàn khỏe mạnh, và được chuyển về nhà cho bố và bà nội.

Còn người mẹ dã man Galimova thời gian tới sẽ phải ra trước vành móng ngựa. Cô ta bị truy tố về tội ngược đãi trẻ em và gần như chắc chắn sẽ bị tước quyền nuôi dưỡng bé.

Theo VnExpress & Tiền Phong
  • 33
  • 4.733