Sức khỏe cũng phụ thuộc vào ngày sinh

  •   4,52
  • 3.356

Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, những cậu bé được sinh vào tháng 3 có tỷ lệ mắc chứng tự kỷ cao hơn. Nguyên nhân có thể là virus và vi khuẩn, vốn phát triển mạnh trong tháng 3, đã gây ảnh hưởng.

Giáo sư David Phillips, chuyên gia về dịch bệnh tại Bệnh viện Southampton, Anh, khẳng định thời điểm ra đời có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ông nói: “Đó là do nhiệt độ và độ dài của ngày tại thời điểm một người được sinh ra, sự tiếp xúc với virus và các vi khuẩn, chế độ ăn và thói quen của người mẹ”.

Việc sinh ra vào tháng 1 - tháng lạnh nhất trong năm - sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tiến sĩ Boffin tại Đại học Bristol cho rằng, thời tiết lạnh làm tăng sự tích trữ chất béo và insulin trong cơ thể.

(Ảnh: SK & ĐS)Những người chịu đựng áp lực thường sinh vào tháng 2. Một nghiên cứu của Đan Mạch đã phát hiện, những người sinh trong thời gian này có khoảng 10% nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt. Nguyên do: Nhiễm khuẩn, thiếu ánh sáng cần thiết để tạo nên vitamin D cho cơ thể.

Những người sinh tháng 4 có nhiều nguy cơ bị viêm khớp gối hay mắt cá chân.

Những người sinh tháng 5 thường sống lạc quan, vô tư. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ có nguy cơ cao nhất gặp phải những tác động gây khủng hoảng. Đó là kết quả một nghiên cứu do tiến sĩ Paolo Castrogiovanni thuộc Đại học Sienna tiến hành

Nghiên cứu của người Scotland phát hiện ra rằng có khoảng 30% những người mắc chứng biếng ăn và ăn uống vô độ sinh vào tháng 6.

Gần 3/4 trong số những người sinh tháng 7 mắc phải khiếm khuyết trong khả năng đọc. Nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch phát hiện, họ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư.

Những người sinh tháng 8 thường bị mắc các chứng bệnh liên quan đến viêm đường ruột.

Ở phương Tây, căn bệnh dị ứng thường rất phổ biến ở những người sinh vào tháng 9. Đây là thời gian các loài hoa nở rộ, trong không khí có rất nhiều các loại phấn, hương hoa. Các nhà khoa học tin rằng do người mẹ khi mang thai có thể tiếp xúc với nồng độ phấn hoa cao hơn trong tháng cuối của thời kỳ thai sản nên nguy cơ dị ứng của trẻ tăng.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy, những đứa trẻ sinh ra vào tháng 10 sẽ có tuổi thọ trung bình cao hơn cả.

Người sinh tháng 11 thường có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp thấp nhất. Một nghiên cứu mới được công bố trên tờ British Medical Journal đã tiết lộ, những người này cũng có nguy cơ mắc bệnh tê liệt thần kinh khá thấp.

Những đứa trẻ sinh vào tháng 12 có nhiều nguy cơ phải “đấu tranh” với tình trạng thừa cân khi ở độ tuổi trưởng thành; đó là lời cảnh báo của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Southampton, Anh. Việc sinh ra vào thời tiết lạnh sẽ khiến cơ thể tăng cường tích trữ chất béo.

Nơi sinh cũng tác động đến sức khỏe

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, vĩ độ nơi một người được sinh ra và lượng tia phóng xạ mặt trời người mẹ hấp thụ khi mang thai làm ảnh hưởng tới ADN của thai nhi.

Nghiên cứu được Bệnh viện Maine tiến hành cho thấy, việc được sinh ra tại khu vực thuộc vĩ tuyến 53 độ Nam sẽ khiến cho con người có xu hướng trở thành một người rất sáng tạo và tài giỏi. Họ thường có năng khiếu về toán học.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh tê liệt thần kinh phổ biến nhất ở những người sống tại khu vực cách xa xích đạo. Trong đó, nguy cơ sẽ cao hơn đối với những người sống ở bán cầu Bắc như Thụy Điển, Bắc Ireland..., nơi có ít ánh sáng mặt trời. Sự thiếu ánh sáng cũng khiến người dân ở đây dễ mắc các bệnh về răng miệng.

Khỏe hay yếu cũng do thứ bậc trong gia đình

Theo một nghiên cứu của người Italy, con đầu lòng thường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn các em rất nhiều. Các nhà khoa học tại Milan đã xem xét kết quả y học liên quan đến 348 người mắc bệnh tim và nhận thấy, một nửa trong số đó là con đầu lòng. Họ giải thích: Con cả thường có tính cách đấu tranh cao và phải đối mặt với nhiều áp lực, stress.

Những người là con đầu lòng có xu hướng sống lâu hơn, nhưng cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh hen, eczema và các chứng dị ứng khác. Có hai lý do để giải thích cho vấn đề này:

- Hoóc môn trong cơ thể người mẹ vào thời điểm đó quá sạch, đến mức đứa bé không tiếp xúc đủ với bụi, bẩn và vi khuẩn để phát triển hoàn chỉnh hệ miễn dịch; chưa “học" được sự khác biệt giữa những nhiễm trùng gây nguy hiểm và những yếu tố có hại khác. Đây là giả thiết được tin cậy nhất.

- Chứng dị ứng bắt đầu ngay khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Con đầu lòng có mức protein miễn dịch (IgE - thành phần có liên quan đến bệnh hen và dị ứng) cao hơn nên dễ bị bệnh này hơn. Đây là lập luận của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Michigan, Mỹ. Trong 17 năm, họ theo dõi sức khỏe của khoảng 1.000 trẻ em sinh ra trên quần đảo Wight từ 1989 đến 1990 và nhận thấy: 16,5% con đầu lòng có nồng độ IgE cao, so với 8% ở con thứ.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
  • 4,52
  • 3.356