Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải: 'Tôi giàu có'

  •  
  • 3.002

Trong khu nhà chỉ 70 m tại một khu đông dân ở Hà Nội, ông dành một phần đất trồng rau, thả gà chạy rông, và ông khẳng định, mình là một trong những người giàu có trên hành tinh này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải là người khởi xướng việc áp dụng công nghệ ozone ở Việt Nam. Ông đã đi khắp các vùng nông thôn để hướng dẫn nông dân sử dụng ozone bảo vệ nông phẩm, gia súc.

Ông chia sẻ với VnExpress về hai điều mà ông dành nhiều tâm sức nhất: giúp nông dân thoát nghèo và giúp trẻ con thích học.

Mọi người luôn gọi ông là “ông già ozone”. Cái tên này do ai đặt cho ông?

Tháng 1/2003, nhận lời mời của lãnh đạo huyện Đồng Văn (thuộc tỉnh Hà Giang ở cực bắc Việt Nam), tôi lên đó để cùng dân đuổi mọt khỏi ngô, nhưng người dân không ai đồng ý. Họ nói rằng, đang trồng giống cây ngô tốt, giờ chuyển sang loại ngô đó chưa mang về đã có mọt. Sáng hôm sau, tôi ra ủy ban xã, các em học sinh thấy tôi reo lên: "Thầy giáo trên tivi!". Bọn trẻ trò chuyện với tôi và có một em bảo tôi về nhà diệt mọt cho ngô. Và tôi đã thành công.

Trẻ con nhảy lên và la to "Ông già ozone đuổi mọt hay lắm chúng mày ơi”.

Tháng 4/2003, khi tôi lên huyện Bắc Hà bảo quản mận, chè, thấy trẻ con bị trốc đầu, tôi dung nước ozone để gội lên đầu cho chúng. Bọn trẻ gặp tôi là xin "Ông già ozone ơi cho cháu nước ozone!". Đấy, tên ông già ozone là do những trẻ em nghèo ở miền núi gọi.

Ông có hai bằng sáng chế về đầu thu laser, nhưng dường như ít người biết đến chuyên môn này?

Lúc 35 tuổi tôi từng thất nghiệp. Vì lúc đó ở Việt Nam chưa trọng dụng nghề đầu thu laser, cho đến bây giờ cũng vậy. Tôi buộc phải tìm cách sống cho bản thân. Cũng trong thời điểm này, tôi nhận thấy tình trạng nông dân thật sự cấp bách. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ điều quan trọng là ăn, uống và học hành. Do đó, tôi cố gắng giúp họ vượt khổ. Tôi không đạo đức giả. Thực tế, cuối năm 1999 lụt ở Huế, tôi cùng sinh viên Đại học Tổng hợp trong ba ngày làm sạch 9 triệu lít nước cho bà con.

Điều gì ông có tình cảm đặc biệt với người nông dân đến vậy?

Phải giúp nông dân vì họ nghèo. Nếu mùa đông trâu không chết, lợn gà không chết, sẽ có nhưng con bê, con nghé được ra đời, người nông dân sẽ bán được nhiều thức ăn gia súc gia cầm. Mỗi làng chết vài con cũng đủ dẫn đến cả nước này nghèo. Kể cả doanh thu doanh nghiệp Việt Nam có tăng đi chăng nữa, nhưng đời sống người dân vẫn thấp thì chưa thể nói Việt Nam giàu được.

Chỉ cần người nông dân gọi, tôi sẽ có mặt ngay. Tôi hạnh phúc vì giúp đỡ họ.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (áo xanh) giúp người nông dân giữ ấm cho bò trong đợt rét.
(Ảnh do ông cung cấp)

Đi giúp dân có lúc nào ông cảm thấy khó khăn không, có ai nghi ngờ cách làm của ông không?

Trong khoa học thì cùng điều kiện như nhau sẽ cho kết quả như nhau. Nhưng trong xã hội thì không thế. Có lúc người bán thuốc thú y không muốn tôi chữa cho trâu bò, vì tôi chữa thì họ không bán được thuốc. Tuy nhiên, tôi không để ý tới những điều người khác nói không đúng về tôi.

Quan điểm sống của tôi là sống phải lao động. Muốn lao động phải học nghề, từ đó ngày càng nâng cao kỹ thuật, số lượng và chất lượng tăng lên. Và nữa, lao động thì phải lao động với cộng đồng.

Người ta thường cho rằng người làm khoa học nghèo? Ông là nhà khoa học, ông có nghèo không?

Thế nào là nghèo? Khi tôi giúp người nông dân bội thu, họ có thể có rất nhiều quà tặng tôi. Họ không có tiền, nhưng vẫn đãi ngộ tốt với tôi. Họ vẫn mời tôi những món ăn ngon, cho tôi đi những nơi đẹp nhất. Tôi giàu vì điều này.

Tôi nghĩ, một nhà khoa học không làm ra tiền thì không phải nhà khoa học. Bởi vì khoa học bắt nguồn từ cuộc sống, khoa học quay lại phục vụ cuộc sống và cuộc sống kiểm định chất lượng của công trình khoa học ấy. Vì thế, nếu làm khoa học mà tốt sẽ có người tâm phục khẩu phục.

Cái giàu kiểu có tiền, có đất khác với giàu trí tuệ và giàu vô hình khác. Tôi tin rằng, tôi là một trong những người gọi là giàu ở hành tinh này. Tôi không đủ tiền đề mở phòng thí nghiệm, nhưng kỳ tỉnh nào ở Việt Nam và trên thế giới có phòng thí nghiệm, tôi đều có thể đến để làm việc tại đó, vì họ chào đón tôi. Đấy là điều giàu.

Cái giàu này không phải ai cũng mua được. Tôi được nhiều người yêu quý, nhất là người nông dân, đó cũng là cái giàu của tôi. Không phải cứ nhiều đô la, nhiều đất là giàu.


Ông già ozone thắp đèn sưởi ấm gà giúp nông dân. (Ảnh: N.V.K)

Vậy còn quyền lực, ông có tham vọng quyền cao chức trọng không?

Đã bao nhiêu gia đình tan vỡ vì chuyện quyền cao chức trọng, còn tôi chỉ muốn làm nhà khoa học, vận dụng kiến thức giúp đỡ người khác, nhất là nông dân.

Tôi luôn tâm niệm: ăn nhiều quá chóng chết, chơi nhiều quá thì hư thân. Do đó tốt nhất nên tránh xa. Thật lòng mà nói, tôi luôn mong cho hàng xóm mình giàu lên. Bởi vì họ giàu lên thì sẽ không còn ganh ghét, đố kỵ mình. Điều đó tốt cho cả họ và cũng tốt cho mình. Lấy ví dụ thế này, nếu hàng xóm của mình giàu lên, họ sẽ không đốt than tổ ong để đun nấu, môi trường không ô nhiễm, sức khỏe tốt hơn.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao gần 70 tuổi, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy trẻ khỏe, vui vẻ. Tôi không sợ kẻ cướp đến nhà, không sợ ghen tỵ chức vị, không sợ ai đòi nợ, luôn có học sinh vui xung quanh mình. Đi đến bất kỳ nơi nào tôi cũng được chào đón.

Không tiền, không quyền, vậy niềm vui lớn của ông là gì?

Tôi không có niềm vui lớn, chỉ có niềm vui nhỏ. Đó là khi thấy suy nghĩ của người nông dân thay đổi, nhà cửa phố xá mọc lên, có chỗ ăn ở khang trang hơn, đặc biệt là tư duy thay đổi, trẻ con được đi học. Còn nỗi buồn lớn của tôi là chương trình giáo dục hiện nay còn hạn chế. Việc thi trắc nghiệm khiến cho học sinh bị kém lý luận, không cần học bài.

- Vậy thì ông có ý kiến gì cho giáo dục hiện nay?

Tôi có điều băn khoăn nhất bây giờ làm sao cho các cháu học sinh thích học. Tôi đã đi dạy rất nhiều nơi và thấy hiện nay giáo dục thật sự chưa đi sâu vào cái gốc, các vật dụng trong phòng thí nghiệm cũng như sách giáo khoa còn thiếu thốn. Hồi còn dạy học, tôi thường cho các em tự làm thí nghiệm trước ở nhà với những dụng cụ tự chế. Khi được tự tay làm, các em sẽ nhớ rất lâu.

Ở cấp độ cao hơn, tôi thấy ngành Vật lý của Việt Nam đang xuống dốc dù đã cố chấn hưng. Muốn đời sống người dân nâng cao thì kinh tế phải phát triển. Muốn kinh tế phát triển thì khoa học công nghệ, trong đó có ngành Vật lý, phải phát triển.

Để khoa học phát triển lâu dài, phải làm sao cho trẻ con thích học, tiếp đó để các cháu tự ứng dụng khoa học trong cuộc sống.

Tôi biết phòng thí nghiệm ở Warsaw (thủ đô Ba Lan) trước đây trị giá có 1.500 USD, nhưng làm ra được các sản phẩm giá 2.000 USD. Hiện nay ở Việt Nam, có những phòng thí nghiệm cả chục tỷ đồng, nhưng chưa tạo ra thứ gì có giá trị cao.

Công nghệ ozone giờ đã được ứng dụng rộng rãi rãi, vậy kế hoạch tiếp theo của ông là gì?

Tôi dự định tiến hành làm sạch môi trường, làm sạch không khí. Ở ta, đi đường cứ bụi mù, ở nước ngoài có mấy khi như thế đâu. Tôi đi Lào, thấy họ cũng làm đường, sửa đường. Đi vào đường nông thôn, thứ rác duy nhất chỉ là lá rụng thôi. Tôi đi nước ngoài không bị ho, nhưng về nhà là ho. Vấn đề ô nhiễm không khí đã được đưa ra tại nhiều hội thảo, những các biện pháp vẫn chưa có.

Tôi cũng sẽ tiếp tục đấu tranh để tất cả trường học có sách giáo khoa tốt và dụng cụ thí nghiệm hợp lý.

Khi là người thầy, ta phải làm cho trò thích học và thích lao động. Kiến thức chỉ là nước ngầm dưới đáy núi đá. Đem kiến thức ra ứng dụng được vào cuộc sống thì giống như suối mới trong nguồn ào ào cuồn cuộn. Khi người ta áp dụng được thật nhiều kiến thức vào đời thì như dòng sông uốn lượn mang nặng trong lòng những hạt phù sa.

Theo Vnexpress
  • 3.002