Phá sản kế hoạch “nhà máy thiên tài”

  •  
  • 539

Robert K. Graham, cha đẻ của kế hoạch "nhà máy thiên tài"

Robert K. Graham, cha đẻ của kế hoạch "nhà máy thiên tài" - Ảnh: Slate

Sinh thời, nữ nghệ sĩ balê Mỹ lừng danh Isadora Duncan có lần nói với kịch tác gia Anh Bernard Shaw về một đứa con của hai người: “Thử tưởng tượng sự kết hợp thân thể của tôi và bộ óc của ngài, chúng ta sẽ cho ra đời một thiên tài
”. Bernard Shaw đáp: “Nhưng sẽ thế nào, nàng thân yêu, nếu nó có đôi chân của tôi và bộ óc của nàng?”. Câu chuyện đã được báo giới nhắc lại khi ngược dòng 20 năm tìm hiểu một kế hoạch “nhà máy thiên tài”.

Nhà báo Mỹ David Plotz vừa tìm hiểu và làm sáng tỏ các diễn tiến của một kế hoạch không tưởng ở thế kỷ 20 trong một bài báo đăng trên tờ Slate số ra trung tuần tháng hai.

Kế hoạch này gắn liền với nhà khoa học Nam California Robert K. Graham, một nhà quang học, từng kiếm được 100 triệu USD nhờ phát minh thấu kính nhựa không bị gãy. Graham có quan điểm phân biệt chủng tộc, sùng bái bộ gen người. Cách duy nhất để bảo tồn và phát huy giống người, theo ông, chính là một ngân hàng tinh trùng của những thiên tài thời đại.

Bằng cách thụ tinh nhân tạo các tinh trùng của những con người ưu tú, người ta có thể cho ra đời một thế hệ những siêu thiên tài. Với ý định này, Graham đầu tư trọn món tiền 100 triệu USD cho kế hoạch táo bạo “kho chọn lọc mầm”, chuyên trữ tinh trùng của các danh nhân đoạt giải Nobel (còn được gọi nôm na là “nhà máy thiên tài”).

Ngày 28-2-1989, trên tờ Los Angeles Times xuất hiện bài báo: “Tất cả những người đoạt giải Nobel sẽ là những người tình nguyện hiến tinh trùng: đề án làm giàu tiềm năng gen nhân loại”.

Cùng với việc kêu gọi các nhà đoạt giải Nobel hiến tặng tinh trùng, Graham tổ chức quảng cáo tìm các bà mẹ trên tạp chí Mensa. Đó là các phụ nữ có học thức, có tài chính bảo đảm, nhưng có chồng mắc bệnh vô sinh. Sau khi có được một danh sách các “ứng viên mẹ”, Graham gửi thư giới thiệu các ông chồng như: “Ngài Fuschia, một vận động viên được huy chương vàng Olympic”, hay: “Ngài Grey-White, giáo sư đại học”...

Theo nhà báo David Plotz, kế hoạch của Graham đòi hỏi tính khuyết danh tuyệt đối hoặc dùng biệt danh nên người ta không thể biết cụ thể ai là cha đứa bé. Và cũng để bảo đảm tính riêng tư, danh tánh mẹ đứa bé cũng được đồng ý giấu kín.

Nhưng việc công khai kế hoạch của Graham đã dẫn ông tới chỗ bị chỉ trích kịch liệt. Tuy vậy những “siêu trẻ” vẫn bắt đầu chào đời. Đứa trẻ đầu tiên được tờ National Enquirer đưa tin năm 1982, và sau đó chúng liên tục xuất hiện.

Cho đến khi Graham vĩnh biệt cõi đời ở tuổi 90 năm 1997, kho dự trữ của ông khẳng định đã “sản xuất” 229 đứa trẻ trên nước Mỹ và một số nước khác trên thế giới. Sau này Graham thú nhận không đứa trẻ nào trong số này là con của các nhà khoa học đoạt giải Nobel.

Lý do: các nhân vật khi được công bố đoạt giải Nobel này quá già, nên Graham cuối cùng đã lấy tinh trùng của một số nhà khoa học trẻ hiến tặng! Người ta chỉ được biết ba nhân vật đoạt giải Nobel có thể đã hiến tinh trùng là nhà toán học lừng danh John Forbes Nash, Jonas Salk - người chế tạo văcxin bại liệt, và nhà phát minh máy bán dẫn William Shockley.

Hai năm sau khi Graham mất, ngân hàng của ông ta cũng đóng cửa năm 1999. Những “siêu trẻ” lớn lên không được nhiều người biết tới, ngoài một trường hợp duy nhất là Doron Blake. Blake có chỉ số thông minh khá cao: 180. Lên 2 tuổi, Blake đã biết sử dụng máy tính và 5 tuổi đã đọc Hamlet.

Năm 2001, Plotz tìm ra Blake, đang học ở Reed College. Theo mô tả của Plotz, Blake giờ đây là một tay hippy tóc dài với cái nhìn hờ hững. Nhưng Blake vừa bỏ học và đang đắm chìm vào nghiên cứu thuyết duy linh.

Blake buồn bã nói: “Nhà máy thiên tài, đó là một ý tưởng kỳ quái. Người ta hi vọng tôi sẽ đạt được những thành tích vĩ đại. Nhưng không. Tôi không làm được điều gì đặc biệt. Chỉ cần tôi có chỉ số thông minh 100 thay vì 180 thì tôi cũng sẽ làm được những gì tôi đang làm hiện giờ”.

TRẦN ĐỨC THÀNH

Theo Tuổi Trẻ Online/Slate, Panorama
  • 539