Cánh cửa rộng mở cho các đơn vị khoa học

  •  
  • 114

Với Nghị định mới ban hành của Chính phủ, từ nay trở đi, các cơ sở KH&CN “sẽ được mặc hai áo”. Các nhà khoa học được trao hàng loạt quyền trong đó có quyền nhận thu nhập ở mức không hạn chế.

Các đơn vị nghiên cứu khoa học được hoạt động như những doanh nghiệp chính danh; Được quyền sản xuất, kinh doanh từ A đến Z, thậm chí được quyền xuất nhập khẩu trực tiếp.

Phải 10 năm kể từ Nghị quyết Trung ương 2 của Đảng về chính sách mới đối với khoa học và giáo dục, giờ có lẽ mới là lúc nhà khoa học thuộc các đơn vị khoa học và công nghệ công lập (gọi tắt là nhà khoa học công lập) thực sự cảm thấy làn gió đổi mới.

Tại cuộc họp ở Hà Nội ngày 10/11/2005, TS Nguyễn Quân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Khoa học&Công nghệ (KH&CN), nói một cách hình ảnh, với Nghị định số 115/2005/NĐ-CP mới ban hành của Chính phủ, từ nay trở đi, các cơ sở KH&CN “sẽ được mặc hai áo”.

Bên cạnh cái áo thứ nhất, vẫn là các đơn vị nghiên cứu KH&CN như trước đây, lần đầu tiên, họ được khoác thêm chiếc áo thứ hai, được công nhận và hoạt động như một doanh nghiệp chính danh.

Trở thành doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN công lập từ nay trở đi có hàng loạt quyền mới. Thay vì chỉ được phép triển khai sản xuất thử các sản phẩm từ đề tài nghiên cứu, nay họ có quyền triển khai sản xuất từ A đến Z. Không những thế, họ còn có quyền sản xuất kinh doanh tất cả các mặt hàng khác mà pháp luật không cấm, thậm chí, có quyền xuất nhập khẩu trực tiếp.

Nhờ khoác thêm chiếc áo thứ hai, người đứng đầu tổ chức KH&CN công lập còn có thêm quyền chưa từng có về nhân sự và tài chính. Về nhân sự, người đứng đầu từ nay trở đi có quyền quyết định toàn bộ biên chế của tổ chức, có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, biệt phái, nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động, khen thưởng, kỷ luật tất cả các chức vụ trong tổ chức của mình.

- Thủ trưởng đơn vị có quyền “trực tiếp quyết định mời chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ ra nước ngoài công tác”, Khoản b, Tiết 4, Điều 5, Mục 1, Chương II, Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005.

- Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tiền Phong, TS Nguyễn Quân nói: “Tổ chức khoa học được hiểu là cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Theo Nghị định mới, các đơn vị khoa học sau khi chuyển đổi được quyền tự xác lập đề tài nghiên cứu khoa học của mình, dù đó là đề tài phản biện với đề tài của Nhà nước.

Thậm chí đơn vị có quyền tổ chức đề tài nghiên cứu về vườn Long An độc lập với đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam mà Bộ KH&CN giao”.

“Thực hiện quy định này, sẽ chấm dứt tình trạng nhức nhối lâu nay nhiều người sau khi vào biên chế cứ thế yên vị cho đến hưu cho dù năng lực yếu kém hoặc lười biếng hoặc làm việc không hiệu quả” - TS Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ KH&CN, nói.

Hạn chế duy nhất về nhân sự là chức phó của tổ chức vẫn phải được thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên quyết định. “Khoanh vùng hạn chế này là nhằm tránh nguy cơ người đứng đầu đơn vị trục lợi, đưa người thân quen của mình vào các vị trí chủ chốt nhất trong tổ chức, TS Nguyễn Quân giải thích - Tuy nhiên chúng tôi vẫn chủ trương đến năm 2010 sẽ kiến nghị bãi bỏ hạn chế cuối cùng này”.

Về tài sản, hầu hết tài sản của nhà nước được trao lại cho đơn vị như “của hồi môn” trước khi “đi ở riêng”. Theo đó, tổ chức KH&CN công lập có quyền mang các tài sản đó ra đấu giá, thế chấp. Đặc biệt, tài sản vô hình là quyền sở hữu trí tuệ, các phát minh, sáng chế của cá nhân, đơn vị cũng sẽ được sử dụng trong kinh doanh, được định giá trên thị trường như mọi hàng hóa khác.

Hấp dẫn nhất có lẽ là về thu nhập. Sau khi trừ tất cả các khoản theo nghĩa vụ, phần lãi còn lại của tổ chức KH&CN công lập được chia cho các thành viên theo nguyên tắc không hạn chế mức trần.

Trong hoạt động tổ chức KH&CN công lập vẫn tiếp tục được hưởng ngân sách từ nhà nước cấp. Khác chăng, sẽ không phân bổ ngân sách theo biên chế mà giới khoa học lâu nay quen gọi là “đầu đen” mà là theo nhiệm vụ được giao. Lượng “nhiên liệu” đầu vào này rất có ý nghĩa cho các tổ chức kia khi lần đầu tiên thực sự bước vào thương trường.

Diều bay lên phải có dây

Để tránh nguy cơ “độc tài” của thủ trưởng như một số lo ngại tại cuộc họp, ông Nguyễn Sơn, Bộ Nội vụ, cho biết sẽ đưa vào thông tư hướng dẫn hoàn thành cuối tháng 12 năm nay quy định phải có ý kiến của quần chúng trước các quyết định nhân sự chủ chốt.

Mặt khác, nhằm tránh nguy cơ toàn bộ tài sản nhà nước bị “nướng” vào cuộc kinh doanh thua lỗ, Nghị định đưa ra chế tài, một bộ phận tài sản của đơn vị phải được duy trì để phục vụ công tác nghiên cứu theo nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các phòng thí nghiệm trọng điểm (trị giá hàng chục tỷ đồng) không được phép mang đi đấu giá, thế chấp.

Tuy nhiên, một số lo ngại khác bị xem là thái quá và mang nặng tư duy bao cấp. Trước nỗi băn khoăn tổ chức KH&CN công lập mải kinh doanh quên nhiệm vụ nghiên cứu thì sao, Thứ trưởng Lê Đình Tiến, cho rằng bản thân Nghị định cũng nói rõ nhà nước vẫn tiếp tục “chăm bẵm” các đơn vị nghiên cứu cơ bản. Song về lâu dài, khi kinh tế phát triển, chính các doanh nghiệp lớn lại là mảnh đất để gây dựng các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, thậm chí nghiên cứu cơ bản như các nước công nghiệp hiện nay.

Trống lệnh đã phát. Các cánh quân đang chuẩn bị vào cuộc. Để tránh tình trạng nói xong để đấy, một lộ trình cụ thể đã hoàn tất và chờ phê duyệt. Trong số 1.200 tổ chức KH&CN cả nước hiện nay có 560 tổ chức của Nhà nước hay còn gọi là công lập. Khoảng một nửa tổ chức công lập ấy sẽ chịu sự điều tiết của Nghị định 115. Trước mắt, khoảng 2/3 trong nhóm tổ chức chịu điều tiết sẽ áp dụng ngay.

Tuy nhiên để thí điểm, 10 tổ chức đầu tiên thuộc 10 bộ ngành và 5 tỉnh thành sẽ đi tiên phong. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2006, sẽ hoàn thành kiểm kê tài sản và lên kế hoạch cụ thể cho 10 đơn vị này. Năm 2007 sẽ đi vào thực hiện ngay và cuối năm 2008 tổng kết.

Đến cuối tháng 12/2009, tất cả các tổ chức KH&CN công lập trong diện chuyển đổi sẽ phải chuyển đổi thành một trong hai hình thức, hoặc là thành tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí hoặc là thành doanh nghiệp KH&CN. Nếu đơn vị nào không chuyển đổi được, sẽ kiên quyết giải thể hoặc sáp nhập.

Quốc Dũng

Theo Tiền Phong Online
  • 114