Sinh viên tự chế tạo ôtô tiết kiệm năng lượng

  •  
  • 1.819

Thiết kế, rồi gắn động cơ, làm khung xe và cả phần vỏ áo ôtô cũng do tự tay sinh viên chế tác. Sau nhiều tháng, 3 chiếc xe Việt Nam đã hoàn thành và sẵn sàng tham gia cuộc đua tiết kiệm nhiên liệu với các nước.

Cặm cụi trong nhiều tháng cùng sự hướng dẫn của thầy giáo, sinh viên 3 trường đại học Bách khoa TP HCM, Bách khoa Hà Nội và Giao thông Vận tải Hà Nội đã hoàn thành 3 ôtô tự chế để tham gia cuộc đua xe Shell Eco-marathon châu Á tại Malaysia từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 7.

Trong nhiều năm nay cuộc đua Shell Eco-marathon dành cho ôtô tự chế là sân chơi dành cho sinh viên các nước để có thể tìm ra chiếc xe tiết kiệm năng lượng nhất. Chiếc nào chạy được quãng đường xa nhất với 1 lít nhiên liệu sẽ là xe giành chiến thắng. Năm ngoái Thái Lan là đội vô địch với kỷ lục 1.521,9 km đường.

Vuột mất cơ hội tham dự năm ngoái do không có kinh phí, năm nay các đội Việt Nam đặt rất nhiều quyết tâm. Đội 07 của Đại học Bách khoa TP HCM đã bỏ ra ròng rã 6 tháng trời, sinh viên gom cả tiền đóng học phí để tạo nên sản phẩm của mình.

Một xe ôtô tự chế của đội Việt Nam
Một xe ôtô tự chế của đội Việt Nam. Ảnh: Shell cung cấp

"Đến ngày hoàn thành xe, cả đội hầu như không còn đồng nào trong túi, chúng em thường làm việc đến khuya và bắt đầu từ sáng sớm, 2 tháng đầu chỉ dành cho khâu thiết kế để vượt qua được vòng loại do ban tổ chức quy định", sinh viên Nguyễn Ngọc Trung cho biết.

Về động cơ, nhóm 07 sử dụng loại dung tích 35 cc, công suất 1,3 mã lực sau đó chế thêm đề, thiết kế mới tỷ số truyền giữa động cơ và bánh xe, giảm ma sát tối đa, phần vỏ ngoài xe được làm bằng vật liệu composite nhẹ. Xe dài hơn 3m, rộng 80 cm và có thể đạt tốc độ 35 km/h.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ nghiên cứu - Giảng viên bộ môn ôtô máy động lực Đại học Bách khoa TP HCM, xe tự chế này sẽ có gắng chạy được hơn 320 km một lít xăng, tuy nhiên tất cả còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như: mặt đường đua, tốc độ gió, kỹ năng lái...

Cần có nhiều loại nhiên liệu và kỹ thuật để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển tăng nhanh nhưng vẫn phải hạn chế phát thải CO2. Chỉ có cải tiến công nghệ mới giúp phát triển các sản phẩm thông minh hơn. Mục đích cuộc thi là khuyến khích các nhà khoa học và kỹ sư tương lai tư duy sáng tạo về hiệu quả nhiên liệu và đưa các ý tưởng vào thực tế”, ông Thanh Lê, Tổng Giám đốc Shell Việt Nam nói.

Phó giáo sư Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Cuộc thi là cơ hội để sinh viên sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả nhất, đồng thời nghiên cứu đưa vào sử dụng những nhiên liệu mới. Quan trọng hơn cả đó là giáo dục tinh thần trách nhiệm khi sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí CO2 bảo vệ môi trường”.

Theo Vnexpress
  • 1.819